Đề nghị rà roát mức thuế suất và lộ trình tăng với rượu, bia
Sợ không kiểm soát được chất lượng bia cỏ, bia nhập lậu nếu tăng thuế Đề xuất lùi hiệu lực áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia từ 2028 |
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng vừa ký ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại phiên họp thứ 43, ngày 10/3 vừa qua.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan đã khẩn trương, chủ động trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 để hoàn thiện dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu và phương án chỉnh lý dự thảo luật như đề xuất của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính.
Về các nội dung cụ thể, đối với các nội dung đã được cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất, bao gồm cả những nội dung được thống nhất tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp rà soát, hoàn thiện, bảo đảm về nội dung và kỹ thuật lập pháp.
![]() |
Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, điều hòa nhiệt độ công suất bình thường và thời điểm xác định thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp để tiếp thu hoặc giải trình rõ các nội dung này bảo đảm thuyết phục khi trình Quốc hội.
Đối với một số nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến đối tượng chịu thuế (thuốc lá, cục nóng, cục lạnh điều hòa), nước giải khát có đường, xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô hybrid, quy định tại Điều 12 về điều khoản thực hiện và các vấn đề về thuế suất, lộ trình tăng thuế đối với thuốc lá, rượu bia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, trao đổi để có phương án thống nhất; trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức làm việc với các cơ quan có liên quan.
Trường hợp sau khi rà soát vẫn còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nêu rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, ưu, nhược điểm đối với từng phương án trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân, tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và điều hành tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và các năm tiếp theo.
Đối với nội dung giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định trong việc điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật để bảo đảm tính rõ ràng, ổn định của luật, đồng thời phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội đã được quy định tại Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Tổ chức Quốc hội.
Trong trường hợp Chính phủ vẫn bảo lưu ý kiến, đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo Chính phủ quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có hướng xử lý nhằm thống nhất, tránh có nhiều phương án khác nhau trình Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính chủ trì, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp để rà soát, hoàn thiện dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và các tài liệu liên quan đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi luật và yêu cầu đổi mới trong công tác xây dựng luật pháp; thực hiện các bước công việc theo quy định bảo đảm chất lượng và tiến độ dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức bằng văn bản đối với các nội dung trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 25/3 để các cơ quan của Quốc hội có thời gian hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới. Đây là một sắc thuế có ảnh hướng lớn đến các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong dự thảo luật, cơ quan soạn thảo hiện đang đề xuất 2 phương án đối với rượu, bia, trong đó có phương án tăng cao và liên tục đạt tới 100% cho tới năm 2030 (theo phương án 2). Tại hội thảo ngày 18/3, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (SATRACO), đại diện Tổng công ty Cổ Phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cho biết, năm 2022, ngành bia đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Đến giữa năm 2023, sức mua của người tiêu dùng lại suy giảm và các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo các báo cáo, năm 2024 sản lượng bia có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng sức mua vẫn còn chậm và còn thấp hơn rất nhiều so với năm 2019. Nhìn về tương lai, ông Nguyễn Hoàng Giang hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ tốt dần lên và có thể đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn và khó đoán như rào cản thương mại và xung đột vũ trang trên thế giới. Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Hoàng Giang đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc điều chỉnh mức tăng thuế và lộ trình tăng thuế phương án 1 của Chính phủ đã trình Quốc hội nhưng giãn hiệu lực thực hiện đến năm 2028 thay vì năm 2026 như dự thảo. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước còn phục vụ cho xuất khẩu, các sản phẩm của ngành có sức cạnh tranh cao trong điều kiện kinh tế hội nhập. Với hàng trăm nhà máy sản xuất, kinh doanh trong ngành được phân bố hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước (trên 51 tỉnh, thành phố), tạo hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong các cơ sở nhà máy sản xuất và trong chuỗi cung ứng, dịch vụ từ các đơn vị cung cấp nguyên liệu, đóng gói, kho vận, phân phối, các ngành dịch vụ, du lịch, nhà hàng, logictics... đảm bảo lưu thông trong chuỗi giá trị sản phẩm. Ngành có vai trò kinh tế và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước khoảng trên 60.000 tỷ đồng/năm (thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm trên 40.000 tỷ đồng) và luôn đứng ở vị trí những doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhất nhì địa phương, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp. Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Việt đề xuất với ngành bia, rượu, cần lùi hiệu lực áp thuế tiêu thụ đặc biệt mới tới năm 2028 và tăng thuế theo phương án 1 (tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 90%). |