Bắc Giang cần hơn 2.700 tỷ đầu tư hệ thống thuỷ lợi, đê điều

Tỉnh Bắc Giang cần hơn 2.700 tỷ đồng để đầu tư đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi, đê điều đảm bảo tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp.
Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang đề nghị áp dụng AI trong xử lý công việc Sản lượng vải thiều của Bắc Giang năm 2025 khoảng 165.000 tấn Tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với hàng chục khu công nghiệp, đặt ra yêu cầu cần đầu tư đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi, đê điều đảm bảo tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 16 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 3.684 ha, trong đó có 8 khu công nghiệp đã cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động gồm Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung, Quang Châu, Hòa Phú, Tân Hưng, Yên Lư, Việt Hàn.

Bắc Giang cần hơn 2.700 tỷ đầu tư hệ thống thuỷ lợi, đê điều
Bắc Giang hiện có 16 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 3.684 ha

Còn lại 8 khu công nghiệp đang triển khai giải phóng mặt bằng, chưa đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp đang hoạt động đều đã có hệ thống trạm bơm, kênh tiêu, tuy nhiên nhiều trạm bơm, kênh tiêu được đầu tư từ nhiều năm trước, có hiện tượng xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu chống úng với tốc độ phát triển các khu công nghiệp, dân cư hiện nay.

Đối với các khu công nghiệp Quang Châu và Quang Châu mở rộng được tiêu thoát nước bằng công trình đầu mối trạm bơm tiêu Trúc Tay, hệ thống kênh tiêu T1, T2; trạm bơm tiêu Quang Biểu, hệ thống kênh tiêu TQ1, TQ2, TQ3; công trình đầu mối trạm bơm tiêu, hệ thống kênh tiêu trạm bơm Đông Tiến.

Hiện nay các trạm bơm Quang Biểu, Trúc Tay, Đông Tiến chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước cho lưu vực; các tuyến kênh tiêu T1, T2 được xây dựng và cải tạo năm 2000, chưa được đầu tư, nâng cấp đồng bộ với công trình đầu mối trạm bơm, dẫn đến mỗi khi mưa lớn nước thoát về các trạm bơm chậm.

Các khu công nghiệp Đình Trám, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng, Việt Hàn và Việt Hàn mở rộng được tiêu thoát nước bằng trạm bơm Trúc Tay, kênh tiêu T1; công trình đầu mối trạm bơm, kênh tiêu chính trạm bơm Cống Bún; Kênh tiêu T6; Tuyến kênh N7 và Kênh tiêu T5.

Hiện nay trạm bơm tiêu Cống Bún qua nhiều năm sử dụng, các công trình trạm, bể xả và máy móc thiết bị đã xuống cấp, đặc biệt năm 2024 đã xảy ra sự cố nứt bể xả trong cơn bão số 3.

Trạm bơm Yên Tập và hệ thống kênh tiêu tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp Yên Lư, Yên Lư mở rộng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước trong thời gian tới. Hệ thống kênh tiêu N4 và N5 được xây dựng từ lâu, kênh bị bồi lấp, lưu lượng tiêu thoát nước thấp hơn yêu cầu so với quy hoạch.

Kênh tiêu Ngòi Thảo tiêu thoát nước cho khu công nghiệp Tân Hưng là ngòi tự nhiên, cơ bản vẫn đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực, tuy nhiên cần thường xuyên đầu tư nạo vét đáp ứng tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ.

Trạm bơm và kênh tiêu Ngọ Khổng 1 tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp Hòa Phú, Hòa Phú mở rộng, trong đó trạm bơm Ngọ Khổng 1 mới được cải tạo nâng cấp, cơ bản vẫn đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước. Tuy nhiên tuyến kênh tiêu nhiều năm chưa được đầu tư, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được đầu tư, cải tạo, nạo vét.

Đối với các khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang triển khai giải phóng mặt bằng gồm khu công nghiệp Phúc Sơn; Châu Minh - Bắc Lý- Hương Lâm; Hòa Yên; Xuân Cẩm - Hương Lâm; Song Mai Nghĩa Trung; Nghĩa Hưng; Đồng Phúc; Mỹ Thái hiện các công trình trạm bơm và kênh tiêu vẫn cơ bản đảm bảo tiêu thoát nước nhưng cần phải thường xuyên đầu tư nạo vét, cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước khi các khu công nghiệp vào hoạt động.

Để đảm bảo tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường giải pháp trước mắt cần làm tốt công tác tuyên truyền cho Nhân dân nâng cao ý thức, không xả rác, phế thải xuống lòng kênh.

Bắc Giang cần hơn 2.700 tỷ đầu tư hệ thống thuỷ lợi, đê điều
Tỉnh Bắc Giang cần hơn 2.700 tỷ đồng để đầu tư đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi, đê điều đảm bảo tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp

Đồng thời, triển khai vớt bèo, rác, khơi thông các vị trí kênh bị bồi lấp cục bộ trên các tuyến kênh tiêu và các cống qua đường, đảm bảo dòng chảy luôn được thông thoáng trước mùa mưa bão. Giải pháp lâu dài vẫn cần đầu tư đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi, đê điều để chủ động chống ngập úng thay vì bị động như hiện nay.

Trong đó, năm 2025 Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Giang đề xuất tập trung đầu tư cải tạo nâng cấp trạm bơm tiêu Cống Bún; hệ thống kênh tiêu T1, T2; kênh tiêu Đồng Sau - Vân Cốc; cống tiêu Trung Đồng trên kênh tiêu T1 và kênh tiêu N4, N5 nhằm đảm bảo tiêu thoát nước cho khu công nghiệp Quang Châu; Vân Trung; Việt Hàn; Đình Trám; Song Khê - Nội Hoàng và khu công nghiệp Yên Lư với kinh phí khoảng 207 tỷ đồng.

Giai đoạn 2026 – 2030 đề xuất đầu tư cải tạo, nâng cấp 8 danh mục công trình gồm cải tạo, nâng cấp công trình đầu mối trạm bơm Đông Tiến; xây mới trạm bơm Cống Đầm; cải tạo, nạo vét, hoàn thiện mặt cắt kênh tiêu Ngòi Thảo; cải tạo, nâng cấp kênh tiêu trạm bơm Ngọ Khổng 1; cải tạo, nâng cấp công trình đầu mối trạm bơm tiêu Ngọ Khổng 2; trạm bơm Cẩm Bào; cải tạo, nạo vét tuyến kênh tiêu trạm bơm Cống Sông; cải tạo, nâng cấp công trình đầu mối và hệ thống kênh tiêu N1, N2 trạm bơm tiêu Tư Mại với tổng kinh phí 954 tỷ đồng nhằm đảm bảo tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Giang cũng đề xuất cải tạo nâng cấp tuyến đê Ba Tổng với chiều dài 35,45 km để nâng cấp từ đê Cấp IV lên đê Cấp 3 nhằm bảo vệ an toàn cho các khu dân cư và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và Dự án nắn thẳng tuyến hệ thống đê cấp III hữu sông Thương từ K15+00 đến K29+00 và hệ thống cống, trạm bơm, tổng kinh phí khoảng 1.553 tỷ đồng.

Việc xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi, đê điều sẽ tạo thuận lợi cho tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho tỉnh sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại như quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vi Hải
Phiên bản di động