Ngành Nông nghiệp và Môi trường chuyển mình cùng đất nước
Mất 7 tháng để làm thủ tục đất đai, môi trường, xây dựng Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngành Nông nghiệp và Môi trường |
Dấu mốc lịch sử
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 176/2025/QH15 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó Bộ Nông nghiệp và Môi trường là một trong 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc cơ cấu tổ chức của Chính phủ, trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, Quốc hội cũng phê chuẩn bổ nhiệm ông Đỗ Đức Duy giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2025/NĐ-CP ngày 25/2/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/3/2025. Đây không chỉ là cột mốc trên hành trình phát triển mới của một “mô hình bộ lớn” đủ năng lực quản trị, quản lý đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp hiệu quả nhất; mà còn phản ánh tư duy chiến lược về sự gắn kết tất yếu giữa hai lĩnh vực như “môi với răng”, như “cơm, nước với không khí”.
Với sứ mệnh quan trọng đó, ngay khi chính thức đi vào hoạt động, bộ máy mới của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nhanh chóng vận hành, hoạt động để tiếp tục duy trì đà phát triển và tăng trưởng, vững bước phát triển lên một tầm cao mới; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong vươn mình của dân tộc.
![]() |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao các quyết định bổ nhiệm cho Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và các Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường. |
Đánh giá về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tin tưởng, đây là một bước đi quan trọng trong việc thực hiện chiến lược cải cách hành chính, hướng tới bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, việc hợp nhất không chỉ đơn giản là sự thay đổi về cơ cấu tổ chức mà còn là cơ hội để tái cấu trúc, rà soát và nâng cao hiệu quả trên mọi mặt công việc của cả hai Bộ; giúp nâng cao tính hiệu quả trong giữa công tác bảo vệ môi trường với phát triển nông nghiệp, giữa khí tượng thủy văn với phòng chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp… đây đều là các lĩnh vực có mối liên hệ mật thiết, hữu cơ với nhau.
“Chúng ta đang tiến gần đến một thời khắc có ý nghĩa lịch sử, khi ngành Tài nguyên và Môi trường với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bước vào một giai đoạn phát triển mới, đồng hành cùng sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Hai lĩnh vực quản lý này có mối quan hệ mật thiết, bổ trợ lẫn nhau. Việc hợp nhất sẽ mở ra cơ hội lớn để giải quyết các bài toán kinh tế - xã hội một cách hài hòa, bền vững, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn của đất nước”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.
Để Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức đi vào hoạt động theo cơ cấu mới, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng ghi nhận những sự hy sinh lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cùng nhau cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong thời gian rất ngắn, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp, trước hết là lãnh đạo, người đứng đầu đã gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện; khẩn trương, chủ động triển khai các công việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”.
![]() |
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy |
Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong thời gian sáp nhập, tổng cộng 22 thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành cấp phó của Bộ mới. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá, đây là thành quả của sự phối hợp chặt chẽ, đoàn kết, đồng lòng vì lợi ích chung trong quá trình triển khai đề án hợp nhất hai bộ, bảo đảm yêu cầu theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để đưa Bộ mới đi vào hoạt động đúng yêu cầu.
Với cột mốc lịch sử mới, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tin tưởng rằng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và ngành Tài nguyên và Môi trường, cùng đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức.
“Toàn ngành phấn đấu chung tay xây dựng, đưa Bộ Nông nghiệp và Môi trường đi vào hoạt động ổn định ngay từ những ngày đầu thành lập, duy trì đà phát triển và tăng trưởng, vững bước đi tới một tầm cao mới; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tin tưởng.
Bước đột phá quan trọng
Tại Hội nghị tổng kết ngành Tài nguyên và Môi trường diễn ra cuối tháng 12/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, nếu như trước đây "phần tâm hồn" ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn "phần thể xác" ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì sau khi hợp nhất sẽ tạo nên một thể thống nhất hoàn chỉnh. Đây không chỉ là sự gắn bó về cơ cấu tổ chức, mà còn là một triết lý phát triển mới, đặt môi trường làm trung tâm cho mọi định hướng phát triển.
Sau khi hai bộ hợp nhất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, phải thay đổi và giải quyết được bài toán kinh tế, xã hội và môi trường hài hòa, làm sao để môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
![]() |
Ứng dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp |
“Chúng ta đang xây dựng một mô hình bộ lớn, mạnh mẽ và có đủ năng lực để quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp và kinh tế tài nguyên hiệu quả nhất. Khi còn chia cắt, tư duy phát triển không thể xuyên suốt và hài hòa, dẫn đến lãng phí tiềm năng. Bộ mới sẽ giải quyết vấn đề này, đưa môi trường trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sự hợp nhất này không đơn thuần là phép cộng cơ học, mà là bước chuyển mang tính đột phá. Kỳ vọng, Bộ mới sẽ dẫn dắt các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế phát thải thấp, góp phần làm sạch môi trường sống, cải thiện đời sống Nhân dân. “Sự giàu có sẽ không có ý nghĩa, nếu đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Sau đó, tại lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường diễn ra ngày 1/3/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tái khẳng định, đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự kiện thành lập và chính thức đi vào hoạt động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, một bộ máy hành chính mới với phạm vi quản lý rộng lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực thiết yếu trong nền kinh tế và xã hội.
Phó Thủ tướng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đối diện với nhiều thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới. Bộ sẽ quản lý một phạm vi rộng lớn, bao gồm 25 lĩnh vực từ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đến quản lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tài nguyên nước, biển và hải đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, việc đổi mới cơ chế hoạt động của bộ là một yêu cầu cấp thiết. Chúng ta cần phải hình thành một tư duy quản lý mới, không chỉ đơn thuần là một thay đổi về tổ chức mà còn phải thay đổi cách tiếp cận và phương thức điều hành. Việc chuyển đổi này không thể chỉ thực hiện trên lý thuyết mà phải được triển khai mạnh mẽ trong công tác quản lý thực tế, từ công tác thanh tra, kiểm tra đến việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quản lý và phát triển ngành.
Với những nhiệm vụ được giao của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ phải luôn tìm tòi, suy nghĩ các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo và “nghĩ đến chỉ số hạnh phúc của Nhân nhân”.
“Tôi tin rằng, với một bộ máy vững mạnh, tư duy đổi mới và tinh thần trách nhiệm cao, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ là động lực giúp đất nước phát triển mạnh mẽ, vươn lên, không chỉ phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP hai con số mà còn bảo đảm một Việt Nam ấm no, hạnh phúc cho các thế hệ mai sau”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Xác định sứ mệnh mới - sứ mệnh cống hiến cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước, ngay sau khi chính thức đi vào hoạt động, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và các Thứ trưởng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ trì hàng chục cuộc họp, trực tiếp làm việc với lãnh đạo của các đơn vị trong toàn ngành để kịp thời nắm bắt tình hình và có những chỉ đạo, cũng như gợi mở các giải pháp để vận hành bộ máy mới hiệu quả.
Mới đây nhất, ngày 8/3, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đã chủ trì cuộc họp đề ra những định hướng quan trọng, thực hiện các chương trình, kế hoạch mới, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật trong những năm tới. Trước đó, ngày 4/3, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã chủ trì Hội nghị về ổn định thị trường lúa gạo (tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương và giới chuyên gia), nhằm đánh giá tình hình thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế, qua đó tìm ra các giải pháp phù hợp để ổn định, phát triển bền vững ngành lúa gạo trong thời gian tới.
Không chỉ tổ chức các cuộc họp xuyên ngày nghỉ, xuyên lễ để kịp thời chỉ đạo, định hướng các hoạt động, Bộ trưởng và các Thứ trưởng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường còn tổ chức các chuyến đi xuống cơ sở, đến với các địa phương để gặp gỡ, trao đổi với các lãnh đạo, người dân và đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực mình quản lý. Những chuyến đi thực tế trên không chỉ thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường đối với sự phát triển của ngành Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam mà còn là dịp để những người làm công tác hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành lắng nghe các đề xuất, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.