Ngành giáo dục huyện Yên Lạc giữ vững là "lá cờ đầu" của tỉnh Vĩnh Phúc
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Phú Sơn tặng hoa chúc mừng ngành Giáo dục huyện Yên Lạc. |
Nhà giáo Trần Minh Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Lạc cho biết, Toàn huyện Yên Lạc hiện có 54 trường công lập, 2 trường tư thục và 25 cơ sở giáo dục mầm non độc lập với tổng số 37.582 học sinh. Năm học 2023-2024 là năm học ngành giáo dục và đào tạo huyện được ghi nhận có nhiều đổi mới trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng toàn diện.
Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục ổn định và có hướng phát triển tốt, chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm, tỷ lệ tốt nghiệp THCS, thi đầu vào trường THPT tăng trưởng cao đứng đầu toàn tỉnh; chất lượng các mặt giáo dục tiếp tục khẳng định vị trí đứng trong tốp đầu tỉnh.
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường xanh – sạch – đẹp thường xuyên được quan tâm, đầu tư. Đến nay, toàn huyện có 34/54 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 62.9%), trong đó có 20/54 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (đạt 37%).
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Nguyễn Thị Huấn trao bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho Chi bộ Trường THCS Yên Lạc trong phong trào thi đua "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong các Hồ Chí Minh" năm 2024 |
Năm học 2023-2024 là năm học ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc được ghi nhận có nhiều đổi mới trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng toàn diện theo Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; Kế hoạch số 27/KH-UBND, ngày 19/01/2023 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển giáo dục năm 2023; Kế hoạch số 28/KH-UBND, ngày 19/01/2024 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển giáo dục năm 2024.
Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra như: nâng cao tỷ lệ huy động trẻ 3 đến 5 tuổi ra lớp, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi; công tác phổ cập trẻ 5 tuổi, phổ cập TH, THCS; duy trì tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học; chất lượng học sinh giỏi lớp 9, học sinh thi vào lớp 10 THPT, thi vào trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc … Chất lượng các mặt giáo dục của huyện nhà tiếp tục được giữ vững và duy trì trong tốp đầu của tỉnh.
Giáo dục Mầm non của huyện Yên Lạc đã có nhiều giải pháp tích cực trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ.
Cấp Tiểu học đã đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa học sinh, tăng cường các hoạt động thực hành, ứng dụng thực tiễn,100% các trường đã tổ chức cho học sinh lớp 3,4,5 được học môn tiếng Anh theo chương trình mới, tỷ lệ hoàn thành chương trình lớp học đạt cao.
Trường Tiểu học Thị trấn Yên Lạc Chuyên đề Ứng dụng giáo dục STEM trong dạy học môn Toán lớp 3 |
Các trường THCS đã thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy nội dung chương trình, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giáo dục, giáo viên sử dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh, từ đó, học sinh đã chủ động trong quá trình tiếp cận kiến thức.
Theo ông Tuấn, thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện cần nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm thực chất hơn; gắn với thi đua, khen thưởng để tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo giỏi về chuyên môn và mẫu mực về phẩm chất đạo đức; Kiểm soát phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân hiệu trưởng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đối với hiệu trưởng các nhà trường, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phòng GD&ĐT. Đồng thời thường xuyên tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực hiện xây dựng chi bộ đảng trong sạch, vững mạnh, đề xuất đầu tư cơ sở vật chất trường học một cách kịp thời; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng dạy và học.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng các nhà trường cần xây dựng ngay kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ năm học phù hợp với điều kiện thực tế của trường để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn học sinh giỏi; Tăng cường xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong việc quản lý các em học sinh; Tập trung quản lý, kiên quyết không để tai tệ nạn xã hội xâm nhập học đường, không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Đối với các em học sinh, yêu cầu cần tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão để chinh phục những đỉnh cao mới.