Ngành Giáo dục Hoài Đức: Đổi mới để nâng cao hiệu năng, hiệu quả hoạt động
Huyện Hoài Đức đổi mới công tác tuyên truyền cải cách hành chính Hoài Đức đẩy mạnh giáo dục về phát huy di sản văn hoá phi vật thể Giáo dục Hoài Đức không ngừng đổi mới để vươn mình |
Ngành Giáo dục đạt kết quả tích cực toàn diện
Theo đồng chí Vương Văn Lâm - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức (Hà Nội), năm 2024, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ của các phòng, ban, ngành huyện, ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện.
Theo đó, các đề án, kế hoạch, chương trình công tác được triển khai kịp thời. Công tác chỉ đạo của phòng đã tập trung lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, bám sát thực tiễn, đề ra các giải pháp cụ thể quyết tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Với tinh thần tích cực, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức tiếp tục tham mưu với Huyện uỷ, HĐND, UBND đề xuất các chỉ tiêu về phát triển ngành. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn.
Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu UBND huyện để có nhiều giải pháp ổn định công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng; cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao.
Giáo viên Hoài Đức ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. |
Sự chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức trong năm vừa qua diễn ra toàn diện trên các mặt, đều khắp ở các cấp học, các nhà trường, cả ở công lập và ngoài công lập; sự đổi mới, hiệu quả từ Phòng Giáo dục và Đào tạo cho đến các nhà trường. Kết quả của năm học 2023-2024 là những minh chứng rõ nét, ghi nhận và khẳng định sự quyết tâm của toàn ngành trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Vương Văn Lâm cho biết, quy mô giáo dục của huyện tiếp tục được ổn định và phát triển, toàn huyện có 99 trường mầm non, tiểu học và THCS. Trong đó có 80 trường công lập, 19 trường tư thục (trong đó có 4 trường liên cấp), 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 112 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập với tổng số 72.196 học sinh (tăng 1 trường công lập, 4 trường tư thục, 2.168 học sinh so với cùng kỳ năm trước).
Năm 2024, ngành cũng rất chú trọng đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Bên cạnh việc tổ chức cho cán bộ quản lý tham gia đầy đủ các buổi tập huấn về công tác kiểm định chất lượng giáo dục do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, ngay từ đầu năm học, phòng đã thành lập tổ tư vấn nhằm hỗ trợ các nhà trường đăng ký kiểm định chất lượng trong việc thu thập minh chứng, viết báo cáo và hoàn thiện hồ sơ đánh giá ngoài…
Công tác thi đua khen thưởng của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức cũng được triển khai và phát động kịp thời, tạo điều kiện để các nhà trường hưởng ứng tích cực với các phong trào thi đua nên tạo được chất lượng và hiệu quả. Các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi và đều khắp ở các cấp. Nhiều tập thể, cá nhân được các cấp tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động
Theo đồng chí Vương Văn Lâm, năm 2025, ngành Giáo dục và Đào tạo Hoài Đức tập trung triển khai một số nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm thực hiện chủ đề năm học 2024-2025 là "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương".
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức tổ chức Ngày hội công nghệ thông tin cấp huyện năm 2024. |
Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ nỗ lực làm tốt công tác tham mưu Huyện ủy, UBND huyện bố trí, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đúng chuyên môn, sở trường; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo để nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu quả công tác tham mưu, giải quyết công việc, công tác dạy và học.
Đồng thời tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực của ngành và đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên đến từng nhà trường, từng giáo viên.
Cùng với đó là quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán các bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi; tăng cường các hình thức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học; tiếp tục mở rộng liên kết đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ đối với các môn khoa học tự nhiên trong trường THCS, THPT.
Ngành cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý và giáo viên; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo Hoài Đức cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, kiểm soát tốt các hoạt động, vấn đề phát sinh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
Cạnh đó, ngành cũng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại của những năm học trước, đặc biệt trong công tác thi, tuyển sinh đầu năm học; phương án phân luồng học sinh sau trung học cơ sở phù hợp, hiệu quả và thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, coi đây là cơ hội, là chỗ dựa và là phương thức thay đổi về giáo dục.
"Chúng tôi cũng sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư và xã hội hóa đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018", đồng chí Vương Văn Lâm cho biết.
Ngoài ra, ngành cũng sẽ tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để tại sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp thực sự gương mẫu, là tấm gương cho học sinh noi theo.
Đặc biệt, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng hoạt động của toàn ngành, để cùng thành phố, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.