Hoài Đức đẩy mạnh giáo dục về phát huy di sản văn hoá phi vật thể

Các ngành, địa phương huyện Hoài Đức (Hà Nội) sẽ tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và truyền dạy các loại hình di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn huyện tới đông đảo các tầng lớp Nhân dân.
Giáo dục Hoài Đức không ngừng đổi mới để vươn mình Chuyển đổi số tạo bước đột phá trong giáo dục tại Hoài Đức

Ngày 25/11, UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Di sản văn hoá Việt Nam và tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn huyện.

Hoài Đức là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, là một trong những địa bàn sinh tụ chính của cư dân Văn Lang thời dựng nước nên rất phong phú cả về di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể.

Theo Danh mục tổng kiểm kê di tích toàn TP Hà Nội, huyện Hoài Đức có 269 di tích. Tính đến tháng 5/2024 đã có 111 di tích được xếp hạng, trong đó có 69 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 42 di tích xếp hạng cấp thành phố.

Đặc biệt trên địa bàn huyện có hàng loạt các di tích thờ Lý Bí - vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Việt Nam và Lý Phụ Man - người có công xây dựng và bảo vệ nhà nước Vạn Xuân độc lập vào thế kỷ thứ VI như đình Lưu Xá, đền Di Trạch, đình chùa Đại Tự (xã Kim Chung), quán Giá (xã Yên Sở)…

Theo Danh mục kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể, huyện Hoài Đức có 55 di sản văn hoá phi vật thể, bao gồm các loại hình: Nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian; di sản ưu tiên bảo vệ và di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Hoài Đức đẩy mạnh giáo dục về phát huy di sản văn hoá phi vật thể
Tiết mục biểu diễn ca trù của nhóm nghệ nhân Nhân dân Bùi Thế Kiên.

Tính đến hết năm 2024, trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, huyện Hoài Đức đã có 5 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú và 1 nghệ nhân được Nhà nước truy tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Bên cạnh với nhiều loại hình di sản văn hóa trên, Hoài Đức còn là nơi tập trung nhiều con người tâm huyết, đam mê, sáng tạo, đặc biệt là các nghệ nhân thực hành trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Trong mối quan hệ giữa di sản văn hoá phi vật thể với việc hình thành bản sắc văn hoá người Hoài Đức, nghệ nhân di sản với vai trò là trung tâm trao truyền di sản, nhân vật năng động và sáng tạo trong thực hành di sản góp phần lớn trong việc trao truyền những giá trị tinh tuý của văn hoá hàng nghìn năm, giúp kiến tạo vốn văn hoá cho con người Hoài Đức.

Các di sản văn hoá phi vật thể có vai trò rất quan trọng trong việc nhận diện và định vị bản sắc của mỗi địa phương, đến nay khi nhắc đến Hoài Đức, nhiều người sẽ nhớ ngay đến lễ hội Giang Xá, lễ hội Rước Giá - xã Yên Sở, lễ hội rước lợn - xã La Phù, lễ hội Giằng Bông - xã Sơn Đồng, làng nghề tạc tượng Sơn Đồng, Hát Ca trù Ngãi Cầu - xã An Khánh, hát tuồng - xã An Thượng

Hiện nay, đứng trước xu thế hội nhập quốc tế; sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội và sự tác động của các loại hình văn hoá nước ngoài du nhập đối với giới trẻ hiện nay.

Do đó, việc bảo vệ, gìn giữ, tạo các điều kiện để các loại hình di sản văn hoá phi vật thể có không gian thực hành, trình diễn, tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ để trao truyền, tiếp nối dòng chảy di sản đòi hỏi cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, các nhà trường và toàn xã hội.

Ông Nguyễn Trung Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, huyện đã giao nhiệm vụ cho ngành Văn hoá và Thông tin, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện tổ chức các hoạt động biểu diễn, truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu.

Qua các buổi giới thiệu, biểu diễn, truyền dạy sẽ góp phần cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về vốn văn hoá truyền thống của quê hương; nâng cao nhận thức, thái độ trân trọng và gìn giữ các giá trị di sản.

Đồng thời, đây cũng là hoạt động tạo ra không gian biểu diễn, truyền dạy để các nghệ nhân tiếp tục giữ lửa đam mê, kết nối gần hơn với thế hệ trẻ và giới thiệu rộng rãi về nghệ thuật hát ca trù, hát tuồng và những loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc đã và đang được duy trì, gìn giữ trên quê hương Hoài Đức.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức đề nghị ngành Văn hoá và Thông tin, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và truyền dạy các loại hình di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn huyện tới đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Bên cạnh đó, các nhà trường trên địa bàn huyện chủ động, tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động để các em học sinh - thế hệ trẻ tương lai của đất nước có nhiều cơ hội tìm hiểu, tiếp cận và thắp dần ngọn lửa đam mê đối với các loại hình di sản, giá trị văn hoá truyền thống quý báu trên quê hương Hoài Đức.

Hậu Lộc
Phiên bản di động