Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP vào năm 2030

Sáng 27/11, Quốc hội đã biểu quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Hoài Đức đẩy mạnh giáo dục về phát huy di sản văn hoá phi vật thể Hà Nội: Hệ thống thư viện góp phần phát triển văn hóa đọc Quốc hội thông qua sửa đổi Luật Di sản văn hóa

122.250 tỷ đồng cho phát triển văn hóa

Với 430/454 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 89,77% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Nghị quyết gồm 4 Điều, được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Thời gian thực hiện Chương trình là từ năm 2025 đến hết năm 2035.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của Nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc. Huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Theo Nghị quyết Quốc hội thông qua, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 tối thiểu 122.250 tỷ đồng.

Theo chương trình, đến năm 2030, ngành văn hóa sẽ có những bước đột phá rõ rệt với 100% tỉnh thành có Trung tâm Văn hóa, 80% huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn. 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia sẽ được tu bổ. Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Hàng năm, Việt Nam sẽ tham gia ít nhất 5 sự kiện văn hóa quốc tế lớn.

Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP vào năm 2030
Ảnh minh họa

Đến năm 2035, các chỉ tiêu về văn hóa sẽ đạt những thành tựu đáng kể. 100% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng. 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia sẽ được tu bổ. Ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 8% GDP. Mỗi năm, Việt Nam sẽ có ít nhất 10 tác phẩm văn hóa nghệ thuật tầm quốc gia và tham gia 6 sự kiện văn hóa quốc tế lớn.

Quốc hội chốt tổng nguồn vốn phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 tối thiểu 122.250 tỷ đồng, trong đó có 77.000 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương; 30.250 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và 15.000 tỷ đồng từ nguồn khác.

Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về vốn ngân sách địa phương, có ý kiến cho rằng nhiều địa phương gặp khó khăn trong bố trí vốn đối ứng của ngân sách địa phương, đề nghị xây dựng nguyên tắc đối ứng linh hoạt hơn, quan tâm hỗ trợ các địa phương này. Có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ hỗ trợ của trung ương, giảm tỷ lệ đối ứng của địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu và thể hiện tại điểm d khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết. Theo quy định của Luật Đầu tư công, sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình, trong đó sẽ tính đến sự khác biệt giữa các địa phương tham gia Chương trình và khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xác định tỷ lệ đối ứng phù hợp.

Liên quan đến việc đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đầu tư là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội đưa nội dung này là một trong những cơ chế đặc thù trong thực hiện Chương trình. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tiếp thu ý kiến đại biểu, lựa chọn xây dựng trung tâm theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức, vận hành phù hợp với từng địa bàn, có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí…

Thái Sơn
Phiên bản di động