Ngành nào chịu tổn thương nhất sau cú sốc thuế quan của Mỹ?
Vì sao Mỹ áp mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam? Cú sốc thuế của Mỹ: Con số chưa phải cuối cùng, mục đích là thỏa hiệp |
Sáng 3/4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách những quốc gia bị áp thuế đối ứng. Trong đó, Việt Nam nằm ở nhóm những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất, lên đến 46% đối với 90% hàng hóa của chúng ta xuất khẩu vào nước này.
Theo dự báo của các chuyên gia, chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy các nước và doanh nghiệp hướng tới nội địa hóa sản xuất, thay đổi xu thế thương mại tự do. Đồng thời, chính sách thuế mới cũng buộc các quốc gia điều chỉnh chính sách tỷ giá, thuế suất, hoặc mở cửa thị trường để tránh bị áp thuế cao hơn trong tương lai.
Những tác động tiêu cực trước mắt có thể thấy là giá hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh, khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt giảm sút, đặc biệt trong các ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử...
Theo thống kê, những ngành hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành này có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Do đó, những nhóm ngành này sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất trong thương chiến.
![]() |
Ngành đồ gỗ, nội thất sẽ chịu tác động nặng nề. |
Theo phân tích của các chuyên gia, trong khi các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác thì các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế.
Về vấn đề liệu các doanh nghiệp FDI có thể rút khỏi Việt Nam khi bị áp thuế cao hay không, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, việc lo sự rút lui của các tập đoàn FDI là có, nhưng không quá đáng ngại, bởi Việt Nam vẫn có lợi thế về chi phí lao động thấp, vị trí địa lý chiến lược và môi trường đầu tư hấp dẫn.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, nếu các doanh nghiệp FDI rời đi, họ cũng không thể quay lại Trung Quốc vì mức thuế tại đây còn cao hơn. Các tập đoàn lớn như Apple, Samsung, LG, Intel… có thể tìm cách tối ưu chuỗi cung ứng thay vì rời bỏ Việt Nam hoàn toàn.
Do đó, thay vì rút lui, nhóm doanh nghiệp FDI sẽ tái cấu trúc sản xuất, tối ưu chi phí, và mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ.
Cũng theo ông Huy, việc Mỹ tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam không chỉ là một thách thức thương mại, mà còn là phép thử lớn đối với bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược của Việt Nam. Khi cánh cửa này khép lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra. Đây chính là thời điểm để nền kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh mẽ, nâng cấp vị thế và tạo ra những giá trị mới bền vững hơn.
"Việt Nam không thể mãi đứng ở vị trí của một công xưởng gia công giá rẻ. Thế giới đang thay đổi, và Việt Nam cần nhanh chóng chuyển dịch sang nền kinh tế sáng tạo, công nghệ cao, giá trị gia tăng", ông Huy nói.
Ở góc độ ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, mức thuế suất cơ bản đối với sản phẩm dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vốn đã có từ trước; một số mặt hàng có thuế suất trung bình 12%, có mặt hàng 7%, 12%, thậm chí áo khoác lên tới 27%.
Ông Giang cho rằng, trong lúc này, các doanh nghiệp cần giữ bình tĩnh, tiếp tục thương thảo với các nhãn hàng, nhà mua hàng để thích ứng với mức thuế mới. Người tiêu dùng Mỹ vẫn có nhu cầu lớn đối với sản phẩm dệt may và Việt Nam vẫn đang duy trì quan hệ với nhiều đối tác lớn trên toàn cầu, trong đó có Mỹ.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam đã đàm phán giá với nhà mua hàng từ trước, nên khi thuế thay đổi, bản thân các thương hiệu, nhãn hàng cũng phải cân nhắc chiến lược kinh doanh để điều chỉnh. Do đó, người tiêu dùng Mỹ sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp do giá thành sản phẩm tăng.