Ngành bia, rượu và mối lo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Ngành bia cũng cần tiếp sức... Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp ngành bia vẫn nỗ lực duy trì việc làm cho lao động Chính phủ “chốt” chưa áp cách tính thuế hỗn hợp với rượu, bia |
Thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia có thể tới 100% vào năm 2030
Trong tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm.
Trong đó, đối với mặt hàng rượu, bia, quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.
Cụ thể, với rượu 20 độ trở lên, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030.
Còn phương án 2 là tăng từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030. Bộ Tài chính nghiêng về phương án này.
Theo Bộ Tài chính, đối với phương án 1, giá bán năm 2026 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025 và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Đối với phương án 2, giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Ảnh minh họa. |
Với rượu dưới 20 độ, Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 tăng từ mức thuế 35% hiện hành lên 40% năm 2026 và mỗi năm tăng 5% đến 60% năm 2030. Còn phương án 2 tăng từ mức 35% hiện hành lên 50% năm 2026, mỗi năm tăng thêm 5% và lên đến 70% vào năm 2030, Bộ Tài chính cũng nghiêng về phương án 2.
Đối với mặt hàng bia, Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030.
Còn phương án 2 là tăng từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030. Bộ Tài chính nghiêng về phương án này.
Đánh giá tác động của các phương án, Bộ Tài chính cho biết, đối với phương án 1, giá bán năm 2026 sẽ tăng 10% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Đối với phương án 2, giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Doanh nghiệp ngành bia, rượu vẫn rất khó khăn
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia sẽ ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực rượu, bia do tác động giảm tiêu thụ.
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành bia, rượu. |
Ngược lại, việc tăng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn (bia, rượu) sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này, từ đó hạn chế tác hại của việc uống rượu, bia nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia do lo ngại thiệt hại kinh tế đáng kể với ngành và thu ngân sách sụt giảm. Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), năm 2023 doanh thu ngành bia giảm 11%, lợi nhuận cũng giảm tới 23% so với năm trước đó.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để điều chỉnh giá bán chưa phải là công cụ hiệu quả giúp thay đổi thói quen tiêu dùng. Thay vào đó, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm phù hợp, mang lại lợi ích cho người dùng, nền kinh tế.
Để thích ứng với bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp rượu, bia đã có sự chuyển dịch trong sản xuất, kinh doanh. Một số hãng nhanh nhạy đã bắt đầu chuyển đổi sang mô hình đồ uống có nồng độ cồn thấp, không cồn.
Bên cạnh đó, chiến lược về kênh phân phối, sản phẩm hoặc dịch vụ, định giá, chuỗi cung ứng và phân khúc khách hàng được xem là những chiến lược quan trọng nhất trong việc thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống trong thời gian tới.
Theo các doanh nghiệp, việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn này là chưa phù hợp bởi sẽ làm cho các doanh nghiệp thêm khó khăn, người tiêu dùng giảm mua, doanh thu sẽ tiếp tục giảm và việc nộp ngân sách sẽ giảm theo, người lao động mất việc làm...
Trong giai đoạn khó khăn này, Nhà nước nên có những chính sách tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp phục hồi kinh tế, yên tâm sản xuất, kinh doanh, từ đó sẽ có đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.