Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp ngành bia vẫn nỗ lực duy trì việc làm cho lao động
Chính phủ “chốt” chưa áp cách tính thuế hỗn hợp với rượu, bia Doanh nghiệp bia chưa muốn thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt |
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành bia, rượu
Theo báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), đồ uống là ngành rất nhạy cảm với sức khỏe tài chính của nền kinh tế nói chung và thu nhập của người tiêu dùng nói riêng.
Trong đó, ngành đồ uống có cồn đang chịu tác động của nhiều chính sách dẫn tới hạn chế tiêu dùng sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng bia, rượu... như Nghị định 100/2019 kiểm soát nồng độ cồn. Bên cạnh đó, ngành này cũng không được hưởng các chính sách ưu đãi như giảm 2% thuế giá trị gia tăng.
Cùng với đó, vấn nạn đồ uống có cồn không chính thống đang lưu thông chiếm tới gần 64% tổng lượng tiêu thụ cũng gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bia, rượu.
Mặt khác, ngành bia, rượu hiện nay không chỉ phải đối mặt với sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng mà còn từ các đối thủ mới như những hãng nước giải khát. Một số tập đoàn lớn trên thế giới đã cho ra mắt các sản phẩm bia không cồn, qua đó cạnh tranh trực tiếp với ngành bia rượu truyền thống.
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành bia, rượu. |
Thực tế, năm vừa qua, các doanh nghiệp ngành bia, rượu đều ghi nhận tình hình sản xuất kinh doanh sụt giảm dưới sức ép của thị trường và nhu cầu tiêu thụ thấp, ngay cả những "ông lớn" như Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hay Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2023 Sabeco - đơn vị sở hữu thương hiệu nổi tiếng Bia Sài Gòn ghi nhận doanh thu đạt 30.706 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.255 tỷ đồng, tương đương lần lượt giảm 13% và 23% so với năm 2022.
Tương tự, với Habeco, kết thúc năm 2023 doanh nghiệp này đạt doanh thu 7.757 tỷ đồng, giảm 7,6% và lợi nhuận 355 tỷ đồng, giảm tới 29% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính giai đoạn đỉnh dịch COVID-19 năm 2021, đây là mức lãi thấp nhất của Habeco kể từ năm 2008.
Không chỉ Sabeco và Habeco, nhóm doanh nghiệp bia vừa và nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương cả năm 2023 chỉ đạt 6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 43% so với năm 2022; Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Hà Nội cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm tới 25%, chỉ đạt hơn 43 tỷ đồng; lợi nhuận Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa sụt giảm 50% so với năm 2022, chỉ còn hơn 5 tỷ đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia, do mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt cộng thêm nhiều thách thức bủa vây khiến các doanh nghiệp ngành rượu, bia khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, mức tiêu thụ bia trong năm 2023 không còn sôi động, nhộn nhịp như những năm trước do bị ảnh hưởng từ sự khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước.
Cùng với đó là việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 của Chính phủ, tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm 2023 đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các doanh nghiệp ngành đồ uống có cồn.
Khó vẫn nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động
Trước bối cảnh khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp ngành bia, rượu vẫn nỗ lực đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động bằng cách cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí, cùng như việc cho ra mắt các sản phẩm bia không cồn.
Theo thống kê, ngành sản xuất, kinh doanh đồ uống đang tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã buộc phải cắt giảm lao động để tiết giảm chi phí duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, chỉ có số ít là các doanh nghiệp lớn và có uy tín mới đủ sức để giữ chân lao động, đơn cử như Sabeco.
Ngành đồ uống đang tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. |
Với gần 13.000 lao động trực tiếp trên toàn hệ thống, Sabeco luôn lấy con người làm trọng tâm cho chiến lược tăng trưởng, nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động bất chấp những thách thức trong thời kỳ hậu COVID-19.
Theo lãnh đạo Sabeco, chiến lược kinh doanh của công ty hướng đến phát triển bền vững, trong đó lấy con người làm trọng tâm cho sự tăng trưởng. Con người là một trong 6 trụ cột chiến lược quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ vững vị thế doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Thời gian qua, Sabeco tiếp tục triển khai cơ cấu lương theo hiệu quả công việc cho toàn hệ thống, đồng thời đánh giá lại mức cạnh tranh của thang lương và các chế độ phúc lợi cho người lao động.
Doanh nghiệp cũng ban hành các chính sách nhân sự mới nhằm đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh và an toàn. Bên cạnh đó, các hoạt động đào tạo phát triển nhân lực được ưu tiên thực hiện.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ nhân viên đối với sự thành công của công ty và hành trình hướng đến sự phát triển bền vững, lãnh đạo Sabeco khẳng định công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào con người để nâng cao sức mạnh nội tại và năng lực cạnh tranh, tạo ra giá trị bền vững cho cổ đông, khách hàng và cộng đồng.
Cuối tháng 10/2023, Sabeco lần đầu tiên được vinh danh trong bảng xếp hạng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người Lao động" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam xét chọn.
Bảng xếp hạng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" là sự ghi nhận cho sự đóng góp của doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế xã hội và phát triển con người, đồng thời thúc đẩy môi trường làm việc tích cực cho người lao động.
Doanh nghiệp được chấm điểm trên bộ tiêu chí xây dựng bởi các chuyên gia hàng đầu về lao động, phản ánh sâu sát tình hình thực tế sử dụng và đãi ngộ người lao động trên các khía cạnh: thu nhập, đào tạo, môi trường làm việc, phúc lợi xã hội và các hoạt động bồi dưỡng thể chất cũng như tinh thần.
Đặc biệt, năm 2023 xét chọn và vinh danh các doanh nghiệp giữ được nhịp tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hậu COVID-19, không chỉ ổn định sản xuất, mà quan trọng hơn, còn chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần của người lao động…