Ngành bia cũng cần tiếp sức...

Trong bối cảnh Nhà nước đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh cho cộng động doanh nghiệp nói chung, thì các doanh nghiệp ngành bia nói riêng cũng rất cần những chính sách trợ lực để họ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp ngành bia vẫn nỗ lực duy trì việc làm cho lao động Doanh nghiệp ngành bia cần được "đối xử" công bằng

Chưa bao giờ khó khăn như thế...

Năm 2023, ngành đồ uống có cồn (bia, rượu) đã trải qua giai đoạn khó khăn bởi những tác động của những chính sách quản lý cũng như thị hiếu của thị trường.

Theo đó, những quy định liên quan đến kiểm soát nồng độ cồn, cùng xu hướng thắt chặt chi tiêu không thiết yếu khi nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn đã khiến các doanh nghiệp bia, đồ uống có cồn mất đi hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Trong một báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Funan (FNS) nhận định, việc chi tiêu cho rượu, bia giảm không chỉ bởi tác động của khó khăn nền kinh tế, Nghị định 100/2019 kiểm soát nồng độ cồn mà còn vì xu hướng tất yếu trong tương lai các mặt hàng đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ bị giảm dần tiêu thụ, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng ngành bia.

Tương tự, nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cũng tỏ ra thận trọng về triển vọng của ngành bia trong năm 2024, bởi theo nhóm phân tích này, mức tiêu thụ bia có thể tiếp tục chịu tác động kép từ Nghị định 100/2019 và mức thu nhập được dự báo sẽ giảm trong năm nay.

Theo dẫn chứng nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI đưa ra, khi Chính phủ Trung Quốc áp dụng luật lái xe nghiêm ngặt từ năm 2011 và có hiệu lực đến năm 2023 thì mức tăng trưởng tiêu thụ bia tại nước này đã chững lại đáng kể. Do đó, theo nhóm phân tích, các luật nghiêm ngặt tương tự được áp dụng tại Việt Nam kể từ năm 2020 cũng là yếu tố chính khiến mức tăng trưởng tiêu thụ bia chậm lại.

Ngành bia cũng cần tiếp sức...
Ngành bia đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đồng Văn Cương, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Phú Thái Sơn (trụ sở ở Hà Nội), doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bia Báo Trắng, bia Hada Gold thuộc dòng phân khúc bình dân, cũng bày tỏ sự lo lắng cho triển vọng thị trường bia trong thời gian tới.

Theo ông Cương, dù sản phẩm bia của Công ty TNHH Phú Thái Sơn chủ yếu bán ở các khu vực trung du, miền núi dành cho những người có thu nhập thấp nhưng sản lượng bán ra năm 2023 cũng sụt giảm nghiêm trọng bởi ảnh hưởng của nền kinh tế cũng như chính sách kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn.

"Chưa bao giờ khó khăn như thế, chúng tôi chỉ là doanh nghiệp nhỏ buôn bán cho phân khúc bình dân nhưng năm vừa qua lượng bán ra sụt giảm nghiêm trọng. Sản phẩm của công ty chủ yếu bán cho người dân cùng sâu, vùng xa nhưng do chính sách quản lý quá chặt cũng như việc kinh tế khó khăn khiến người dân không dám uống", ông Cương chia sẻ.

Cũng theo ông Cương, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều gói chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh như giảm thuế, phí, thuê đất, ưu đãi lãi suất... nhưng doanh nghiệp ngành bia dường như không được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ đó, đơn cử như không thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 8%.

Ngành bia cũng cần trợ lực

Cùng mối trăn trở, đại diện một số doanh nghiệp ngành bia cũng bày tỏ sự lo lắng trước những khó khăn có thể sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Theo những người này, ngành đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng ở Việt Nam, giúp huy động nhiều nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước, tạo ra nhiều việc làm và tham gia đóng góp ngân sách mỗi năm; góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, ngành đồ uống, đặc biệt là thức uống có cồn thời gian qua liên tiếp gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu sự tác động của đại dịch COVID-19, chính sách kiểm soát nộng độ cồn, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraina khiến nguyên liệu đầu vào tăng cao nên tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Ngành bia cũng cần tiếp sức...
Ông Nguyễn Quang Huy, đại diện Khoa Tài chính - Ngân hàng thuộc Trường Đại học Nguyễn Trãi, CEO Công ty Cổ phần Học viện ASALA.

Trong khi đó, do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, nhu cầu sử dụng bia rượu sụt giảm làm doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bia bị ảnh hưởng kéo theo nguồn tiền thuế đóng góp cho ngân sách Nhà nước cũng giảm theo. Mặt khác, do khó khăn nên có thể công tác an sinh xã hội cũng sẽ khiến doanh nghiệp phải cân nhắc.

Do đó, doanh nghiệp ngành bia cũng rất cần chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế, thủ tục hành chính... để có thể sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.

"Mới đây, Chính phủ đã thống nhất chưa bổ sung nội dung mới về phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia. Đây thực sự là một quyết định phù hợp trong lúc này, bởi thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp rất cần sự ổn định chính sách thuế", đại diện một doanh nghiệp ngành bia chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quang Huy, đại diện Khoa Tài chính - Ngân hàng thuộc Trường Đại học Nguyễn Trãi, CEO Công ty Cổ phần Học viện ASALA cho rằng, chính sách thuế trên cơ sở nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể cân nhắc xem xét lùi thời hạn tăng thuế ở thời điểm phù hợp nhằm hỗ trợ ngành rượu, bia vượt qua khó khăn, sớm khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Nhà nước cần có thêm các chính sách tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp phục hồi, yên tâm sản xuất, kinh doanh, từ đó sẽ có nguồn thu, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.

Mặt khác, ở góc độ doanh nghiệp cũng cần hoạch định lại chiến lược kinh doanh. Trong đó cần xem xét đến việc chuyển dịch sang sản xuất đồ uống không cồn để thích ứng bối cảnh kinh doanh trong tình hình mới, phù hợp với xu thế phát triển dài hạn; đồng thời tiếp cận và mở rộng các thị trường xuất khẩu để tạo thêm động lực tăng trưởng mới ngoài thị trường nội địa.

Theo ông Huy, các doanh nghiệp cũng cần rà soát chi phí để tiết giảm tối ưu; đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các phần mềm trong quản lý, sản xuất, vận hành để giảm chi phí nhân sự, nguyên vật liệu; rà soát lại các chi phí nhằm đưa ra các giải pháp sáng tạo, đột phá với ngân sách hợp lý, vẫn đạt hiệu quả cao.

Hậu Lộc
Phiên bản di động