Ngân sách Nhà nước năm 2025 dự kiến chi vượt thu 471,5 nghìn tỷ đồng
Bộ Tài chính đôn đốc thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu vượt 15% dự toán Năm 2025, tổng chi ngân sách Trung ương hơn 1,5 triệu tỷ đồng |
Bộ Tài chính vừa công khai “Báo cáo ngân sách dành cho công dân - Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 Quốc hội quyết định”, nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ dàng nắm bắt các thông tin cơ bản về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025.
Theo đó, báo cáo cung cấp thông tin về một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2025 với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ.
Đồng thời, báo cáo cũng cung cấp bức tranh tổng thể về ngân sách Nhà nước năm 2025 với dự toán tổng số thu là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024; tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước khoảng 16% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,8% GDP.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, thu nội địa 1.668,3 nghìn tỷ đồng; thu từ dầu thô 53,2 nghìn tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 235 tỷ đồng; thu viện trợ 10,3 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy dự toán tổng số chi ngân sách Nhà nước năm 2025 là 2.548,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển 790,7 nghìn tỷ đồng; chi thường xuyên là 1.554,7 nghìn tỷ đồng; chi trả nợ lãi 110,5 nghìn tỷ đồng; các khoản chi còn lại khác 93 nghìn tỷ đồng. Báo cũng cung cấp số liệu về dự toán chi ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2025 chi tiết theo lĩnh vực.
Theo báo cáo, dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2025 là khoảng 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP. Trong đó, bội chi ngân sách Trung ương 443,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6%GDP; bội chi ngân sách địa phương 28,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,2% GDP.
Bên cạnh đó, báo cáo còn cung cấp thông tin về việc thực hiện chính sách tiền lương và một số chính sách xã hội.
Cụ thể, chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định.
Năm 2025 cũng cho phép địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn…
Đồng thời cho phép từ ngày 1/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành và tinh giản biên chế.