Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng đầu tiên giảm lãi vay cho khách hàng bị thiệt hại do bão Yagi

Theo nội dung chỉ thị, ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng mọi mặt đến đời sống của người dân, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch tại 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa, để hỗ trợ cho khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng ngay từ khi cơn bão xảy ra. Ngoài ra, toàn ngành ngân hàng đã tích cực tham gia công tác an sinh xã hội và ủng hộ hỗ trợ đồng bào tại các vùng bị thiệt hại.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ khắc phục hậu quả sau bão là rất lớn khi tài sản, sức khỏe người dân bị tổn thất và ảnh hưởng nghiêm trọng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hiệp hội trong ngành Ngân hàng thực hiện khẩn trương, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.​

Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước.

Trong đó, các đơn vị cần chủ động nghiên cứu những tác động, ảnh hưởng của cơn bão số 3 đến việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là hạn mức tín dụng, nhu cầu vốn và thanh khoản cho nền kinh tế nói chung, ngân hàng thương mại nói riêng để có các giải pháp điều hành phù hợp.

Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình, mức độ ảnh hưởng của khách hàng vay vốn bởi bão lũ để đề xuất các chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng phù hợp, kịp thời góp phần tích cực, hiệu quả hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn; tiếp tục tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành.

Cùng đó, các đơn vị tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng bị thiệt hại nặng nề về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả bão lũ xảy ra trên phạm vi rộng theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/5/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và các văn bản hưởng dẫn.

Bên cạnh đó, các đơn vị khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3; cùng với việc xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, chủ động phối hợp với các sở, ngành và cơ quan liên quan nắm bắt mức độ ảnh hưởng của bão lũ đối với khách hàng vay vốn, đánh giá thiệt hại vốn vay của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố triển khai công tác hỗ trợ và chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ.

Ngân hàng Nhà nước các địa phương chủ động phối hợp với các sở, ngành nắm bắt mức độ ảnh hưởng của bão lũ; tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, thủ tục khoanh nợ; kịp thời thông tin về các giải pháp của ngành ngân hàng và xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh theo chức năng thẩm quyền được giao, kịp thời đề xuất báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh, thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đối với các tổ chức tín dụng, khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng triển khai các giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, cho vay mới; Thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với khách hàng.

Các ngân hàng chủ động báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn để báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan hoàn thiện hồ sơ, trình tự, thủ tục khoanh nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 và các văn bản hướng dẫn của NHNN về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 theo quy định tại Quyết định sô 50/2010/QĐ-TTg và Quyết định 08/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Song song với đó tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hướng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng; xây dựng các chương trình, các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới theo quy định hiện hành trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ phiền hà, khẩn trương xét duyệt cho vay mới và tạo điệu kiện thuận lợi, dễ dàng cho người vay nhất là vấn đề tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh sau bão. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc đối với an toàn của tổ chức tín dụng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Hậu Lộc
Phiên bản di động