Nâng tầm bất động sản nghỉ dưỡng: Thay đổi từ cảm xúc và trải nghiệm
Đối mặt nhiều thách thức
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức.
Tại hội nghị chuyên đề về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lớn nhất tại Việt Nam (Meet The Experts), ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels chia sẻ: “Trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng lượt khách ấn tượng. Hình ảnh du lịch Việt Nam cũng trở nên thân thuộc và dần trở thành điểm đến nghỉ dưỡng nổi bật trong Đông Nam Á, cạnh tranh với các điểm đến quốc tế trong khu vực”.
Sau một giai đoạn tăng trưởng “nóng”, thị trường đang giảm tốc với nhiều dự án triển khai dang dở cũng như một số dự án chưa đạt được hiệu quả tối ưu. Dẫu vậy một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng chất lượng vẫn ghi nhận kết quả hoạt động tích cực và duy trì đà phục hồi tốt.
"Việc hoạch định kỹ lưỡng và quản lý vận hành chỉn chu là các yếu tố tiên quyết hỗ trợ quá trình khôi phục của dự án hiệu quả hơn,” ông Mauro cho biết.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang giảm tốc sau giai đoạn tăng trưởng “nóng”. (Ảnh minh họa) |
Các yếu tố lạm phát, chi phí hàng không đắt đỏ và sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành tác động đến sự phục hồi của các hoạt động du lịch.
Tại Việt Nam, quá trình khôi phục diễn ra không đồng đều. Công suất phòng của các khách sạn tại TP HCM đang dần khôi phục về mức trước đại dịch. Trong khi đó, thị trường Nha Trang và Đà Nẵng vẫn đang gặp nhiều thách thức; lợi nhuận hoạt động kinh doanh tại những khu vực này vẫn đang thấp hơn Bali và Phuket 40 - 60%.
Theo bà Fenady Uriarte, Quản lý phát triển kinh doanh, thị trường Đông Nam Á tại STR, tính đến hết tháng 2/2023, chỉ số doanh thu trên mỗi phòng sẵn có tại các quốc gia Đông Nam Á đang rất gần với mức trước đại dịch.
Dẫu vậy thị trường Việt Nam vẫn đang gặp nhiều thách thức khi chỉ số này thấp hơn 33,4% so với năm 2019.
Giá phòng bình quân là điểm sáng trên thị trường, khi đang ghi nhận tốc độ khôi phục tốt. Việc các thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản mở cửa trở lại được kỳ vọng đem đến những tín hiệu tích cực cho ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh việc nguồn cầu du lịch quay lại chậm hơn kỳ vọng, chính sách kiểm soát tín dụng trong thời gian qua cũng tác động không ít đến hoạt động phát triển, khiến nhiều dự án phải trì hoãn hoặc tạm dừng.
Mặt khác, các hoạt động tái định vị dự án đang diễn ra mạnh mẽ hơn khi thị trường ghi nhận nhiều chủ sở hữu khách sạn đang làm việc với các nhà điều hành khách sạn để nâng cấp, cải tạo dự án.
Việc hợp tác với các thương hiệu khách sạn giúp dự án gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường thông qua quy mô chuỗi, tiêu chuẩn thương hiệu và mạng lưới marketing, phân phối.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong và ngoài nước, thị trường Việt Nam vẫn còn thiếu các sản phẩm lưu trú mới đáp ứng nhu cầu của nhóm khách trẻ vốn là tệp khách chú trọng không gian trải nghiệm chứ không chỉ đơn thuần là nơi lưu trú. Phần lớn các thương hiệu khách sạn trên thị trường hiện nay thuộc nhóm truyền thống, chưa có nhiều sự hiện diện của các thương hiệu mang tính trải nghiệm lifestyle.
Dự kiến đến năm 2026, nhóm thương hiệu lifestyle sẽ gia tăng độ nhận diện trên thị trường với sự gia nhập của các thương hiệu như Voco, Hyde, Hotel Indigo, Caption by Hyatt, L7 và Garrya.
Tại Việt Nam, khoảng 30% dân số thuộc thế hệ Millennials (sinh năm từ 1981 - 1996), và thế hệ này đang thúc đẩy, định hình những xu hướng du lịch mới trên thị trường.
Ông Norbert Vas, Giám đốc vận hành Archipelago Indochina chia sẻ: “Thị trường Việt Nam tiềm năng cho sự phát triển của mô hình lifestyle nhờ vào nguồn nhân lực trẻ, đầy tính sáng tạo cũng như tệp khách hàng tiềm năng lớn. Dẫu vậy, để có thể truyền tải tốt tinh thần lifestyle, mô hình này cần được hoạch định cẩn trọng và phát triển chỉn chu”.
Các dự án hạng sang được quan tâm
Các diễn giả tại Meet The Experts đã chia sẻ các xu hướng đang hình thành trên thị trường bao gồm xu hướng màu sắc, tiềm năng của việc chuyển đổi công năng tòa nhà sang mô hình khách sạn, xu hướng trải nghiệm ẩm thực sang trọng và vai trò truyền thông thương hiệu trong ngành bất động sản nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó là việc thảo luận về triển vọng Branded residence (thương hiệu cư trú) và các dự án hạng sang tại Việt Nam.
Theo thống kê của Savills Hotels, nguồn cung hạng sang (luxury) chiếm 2% tổng số phòng khách sạn hiện tại, nhưng chiếm 5% tổng nguồn cung đang triển khai và dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong ba năm tới.
Hội nghị Meet The Experts 2023 tại TP HCM. |
Bên cạnh sự gia tăng của nguồn cung phòng khách sạn, thị trường Branded residence hạng sang cũng đang đón nhận sự quan tâm tại Việt Nam.
Theo ông Anthony Moulton, Giám đốc điều hành Brand & Co, thời gian và không gian đang dần trở thành một khái niệm sang trọng mới. Tệp khách hàng sở hữu giá trị tài sản lớn ưa chuộng các sản phẩm Branded residence do những giá trị về thời gian và không gian sử dụng mà sản phẩm này đem lại. Khái niệm sang trọng đúng nghĩa phải tạo ra một không gian thư giãn cho tâm trí thông qua các yếu tố chất lượng không gian, dịch vụ, tiện ích, ánh sáng và không khí; chứ không đơn thuần chỉ dựa vào việc sử dụng các chất liệu cao cấp.
“Có thể nói rằng, sức hấp dẫn của dòng sản phẩm hạng sang đến từ hai yếu tố là sự danh giá và khẳng định hình ảnh của chủ sở hữu,” ông Moulton chia sẻ thêm.
Ông Đỗ Hồng Phúc, Tổng giám đốc Vietceramics nhìn nhận, những thay đổi trong nhân khẩu học, với những yêu cầu cao hơn về mặt trải nghiệm thúc đẩy các khách sạn cần tối ưu và kiến tạo không gian mới, đem tới những cảm xúc và trải nghiệm đặc biệt hơn cho khách hàng.
“Nhu cầu này là động lực để Vietceramics mang đến cho thị trường những giải pháp vật liệu xây dựng tiên tiến nhất hiện nay, được cung cấp bởi các đối tác hàng đầu trên thế giới. Các bộ sưu tập gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh của chúng tôi đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất về thẩm mỹ nhờ vào các kỹ thuật sản xuất tiên tiến kết hợp với tay nghề chế tác thủ công điêu luyện. Đặc biệt, chúng còn được tích hợp các công nghệ hiện đại nhất giúp chăm sóc sức khỏe toàn diện của người sử dụng. Chúng tôi tự tin đồng hành cùng các nhà đầu tư mang đến một không gian nghỉ dưỡng hoàn hảo, cho từng bước chân an toàn, cho từng giây phút thư thái nhất của khách hàng”, ông Đỗ Hồng Phúc, Tổng giám đốc Vietceramics chia sẻ thêm.
Việc chú trọng các yếu tố phát triển bền vững, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường đang là một xu hướng đang được quan tâm trong ngành. Bà Nguyễn Mỹ Lan - Tổng Giám đốc Sơn trang trí AkzoNobel Việt Nam cho rằng, kiến trúc sinh thái thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu trên toàn cầu.