Năng lực tài chính yếu kém của nhà thầu tuyến đường 250 tỷ vừa làm xong đã hư hỏng

Công ty CP 471, nhà thầu Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (Gia Lai) có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng vừa làm xong đã nứt toác, tính đến cuối năm 2018 đang có khoản nợ tới 852,6 tỷ đồng, cao gấp hơn 14 lần mức vốn chủ hữu của doanh nghiệp.
Bộ GTVT yêu cầu khẩn trương xác định nguyên nhân dự án đường 250 tỷ đồng nứt toác Cần làm rõ năng lực nhà thầu tại dự án đường 250 tỷ đồng vừa làm xong đã hư hỏng Đường 250 tỷ đồng chưa bàn giao đã sạt lở biến dạng

Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã đưa tin, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (Gia Lai) có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6 thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Tuyến đường được thiết kế theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tổng chiều dài hơn 10,8 km. Công trình khởi công từ giữa tháng 5/2018. Mặc dù mới hoàn thành, nghiệm thu vào tháng 6/2019 nhưng đoạn đường đã hư hỏng nặng.

Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn đường tránh qua địa bàn thị trấn Chư Sê tại thôn Đoàn Kết (xã Ia Pal, Chư Sê) dài khoảng 150m đã bị sụt lún nghiêm trọng. Nhiều nơi nứt toác rộng tới 60cm, sâu hơn 1m. Hai taluy đường nhiều tấm kè bê tông đã bị sụt lún làm biến dạng.

Hiện trạng ban đầu đoạn hư hỏng dài khoảng 150m bắt đầu từ lý trình Km10+200 các vết nứt rộng khoảng 20cm đang có chiều hướng nứt rộng ra, đặc biệt nghiêm trọng là đoạn Km10+260 đến Km10+300, cao độ mặt đường bị lún theo phương thẳng đứng khoảng 60-80cm đẩy trồi sang hai bên hông đường phạm vi phía mái chân taluy.

nang luc tai chinh yeu kem cua nha thau tuyen duong 250 ty vua lam xong da hu hong
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (Gia Lai) có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng nhưng vừa hoàn thành, chưa bàn giao đã bị sụt lún, nhiều vết nứt lớn kéo dài hàng trăm mét. Ảnh: Hải Phạm.

Ngoài khoảng 150m bị hư hỏng nặng nói trên qua quan sát thực tế cho thấy chất lượng mặt đường rất kém, có nhiều biểu hiện sụt lún tiếp theo.

Liên quan đến việc này, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương chủ trì phối hợp với tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu rà soát, kiểm tra hiện trường trên toàn tuyến, đánh giá xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời những hư hỏng do bão lũ kéo dài, đảm bảo ổn định công trình, tuyệt đối an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến; báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện trước ngày 10/9/2019.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, chính quyền địa phương nơi dự án đi qua và các đơn vị có liên quan có giải pháp bảo vệ công trình, phân luồng giao thông kịp thời tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (nếu có).

Việc dự án đường với số vốn đầu tư lớn nhưng vừa làm xong đã hư hỏng, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Thắng, chuyên gia về kỹ thuật cầu đường nhận định: "Nhìn vào các khe nứt và lún mắt thường có thể thấy đất đắp nền đường rất kém như đất tận dụng lẫn đất bóc phong hóa đắp vào, bất kỳ một ai đi qua đoạn sụt lún này đều nhận định đơn vị thi công làm ẩu hoặc làm tắt quy trình thi công nên đã dẫn đến hậu quả chất lượng công trình chưa kịp bàn giao đã bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn nhiều rủi ro và mất an toàn giao thông".

nang luc tai chinh yeu kem cua nha thau tuyen duong 250 ty vua lam xong da hu hong
Ông Mai Anh Đồng - Giám đốc, người đại diện pháp luật Công ty CP 471. Ảnh: Website công ty.

Được biết, dự án này do nhà thầu thi công là Công ty CP 471 có địa chỉ tại: Phường Đội Cung, TP Vinh, tỉnh Nghệ An do Ông Mai Anh Đồng là người đại diện pháp luật đã dấy lên nhiều nghi vấn về năng lực nhà thầu.

Trước đó, ngày 8/3/2019, cả nước xôn xao việc Công ty CP 471 bị cướp hồ sơ dự thầu tại Ban QLDA Môi trường và biến đổi khí hậu TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, thời điểm đó cũng đã có những ý kiến nhận định rằng việc bị cướp hồ sơ là hệ quả từ cách thức tiếp cận đấu thầu của Công ty CP 471 và cũng có những kiến nghị của nhà thầu khác về việc cần làm rõ năng lực của Công ty CP 471.

Sau khi sự việc xảy ra tại tuyến đường 250 tỷ thuộc dự án dường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai do Công ty CP 471 đảm nhận thi công kém chất lượng thì nghi vấn về năng lực của nhà thầu thi công một lần nữa lại được đặt ra.

Theo công bố thì Công ty CP 471 trúng thầu cùng một lúc rất nhiều gói thầu. Cụ thể, ngày 12/3/2018, công ty trúng thầu gói thầu Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh đông với giá trị 122,8 tỷ đồng; ngày 10/4/2018 trúng thầu gói thầu Nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội, Thạch Khê, Vũng Áng, Hà Tĩnh với giá trị 65,9 tỷ đồng; ngày 5/9/2018 trúng thầu gói thầu số 10 thi công XDCT đoạn Km7 đến Km10+821,29 đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai với giá trị 71,8 tỷ đồng; ngày 18/10/2018 trúng thầu gói thầu sửa chữa nền mặt đường bổ sung hệ thống thoát nước và ATGT thuộc Quốc lộ 5 tỉnh NGhệ An là 12,6 tỷ đồng; ngày 4/6/2019 trúng thầu gói thầu số 9 thi công xây dựng và ĐBGT thuộc Ban QLDA 5 với giá trúng thầu 134,8 tỷ đồng; ngày 11/6/2019 trúng thầu gói thầu thi công xây dựng công trình Cầu Giao Thủy thuộc Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam với giá trị 66,6 tỷ đồng.

Trước vấn đề trên, dư luận cho rằng việc cùng lúc trúng nhiều gói thầu lớn trong khi Công ty CP 471 chỉ sử dụng một bộ năng lực và nhân sự được lặp đi lặp lại nhiều lần trong hồ sơ dự thầu. Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những sự cố đáng tiếc như ở tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện Chư Sê.

nang luc tai chinh yeu kem cua nha thau tuyen duong 250 ty vua lam xong da hu hong
Tại thời điểm cuối năm 2018, Công ty CP 471 ghi nhận khoản nợ phải trả tới 852,6 tỷ đồng, cao gấp hơn 14 lần mức vốn chủ hữu của công ty.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, về năng lực tài chính, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018 của Công ty CP 471 thì công ty ghi nhận khoản doanh thu thuần 982 tỷ đồng, tăng 79,5% so với năm 2017.

Tuy nhiên, do giá vốn bán hàng tới 913 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp mà công ty thu lại chỉ đạt gần 69 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng so với năm 2017. Đáng chú ý, năm 2018, công ty ghi nhận khoản lỗ khác tới 5,5 tỷ đồng, trong khi năm 2017 lãi tới 4,1 tỷ đồng. Kết quả, năm 2018, Công ty CP 471 đạt 5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 3,8% so với năm 2017.

Đáng chú ý, chiếu theo báo cáo tài chính, tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Công ty CP 471 ở mức 912,6 tỷ đồng, tăng gần 290 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, riêng các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đã chiếm gần 700 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại thời điểm cuối năm 2018, Công ty CP 471 ghi nhận khoản nợ phải trả tới 852,6 tỷ đồng, tăng 290 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm (trong đó khoản nợ ngắn hạn chiếm tới 773,3 tỷ đồng). Con số nợ này cao gấp hơn 14 lần mức vốn chủ hữu của công ty, đặt ra hỏi rất lớn về an toàn tài chính của công ty.

"Việc một doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả cao hơn rất nhiều lần vốn sở hữu như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn tài chính của công ty, nhất là các doanh nghiệp làm các dự án hạ tầng, bất động sản", một chuyên gia tài chính đánh giá.

Được biết, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào doanh nghiệp có thể chi trả cho các hoạt động. Thông thường, nếu hệ số này lớn hơn một, có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, còn ngược lại thì tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu. Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao. Các chủ nợ hay ngân hàng cũng thường xem xét, đánh giá kỹ hệ số nợ (và một số hệ số tài chính khác) để quyết định có cho doanh nghiệp vay hay không. Tuy nhiên, việc sử dụng nợ cũng có một ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo một tỷ lệ hợp lý nhất.

Cũng tại thời điểm ngày 31/12/2018, Công ty CP 471 đang có khoản nợ xấu hơn 4,4 tỷ đồng (đây là giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán, khó có khả năng thu hồi), tăng hơn 1,4 tỷ đồng so với mức 3 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2018.

Nhóm PV
Phiên bản di động