Năm câu nói ảnh hưởng tiêu cực tới con

Nói 'Con làm bố mẹ phát điên' tức là bạn đang đổ lỗi, không kiểm soát được cảm xúc của mình và khiến con hình thành thói quen tương tự.
Cha mẹ nghiêm khắc - Bí quyết thành công của người nổi tiếng Cách phê bình mà không khiến trẻ bất mãn Những đứa trẻ Nhật bị "bỏ quên" vì quan niệm nuôi con tự lập

Bà Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý, giảng viên Đại học Northeastern (Mỹ), tác giả cuốn sách nổi tiếng "13 Things Mentally Strong Parents Don’t Do" (13 điều những cha mẹ có tinh thần thép không làm) chia sẻ năm câu nói tiêu cực phụ huynh không nên sử dụng.

1. "Chúng ta không bao giờ đủ khả năng chi trả cho thứ đó"

Nếu thứ gì đó bạn thực sự muốn nằm ngoài khả năng chi trả, đừng khẳng định sẽ không bao giờ có nó vì lý do tiền bạc. Thay vào đó, hãy cho con thấy bạn có quyền kiểm soát tài chính.

Ví dụ, bạn có thể nói "Ước mơ của bố/mẹ là một ngày nào đó sẽ mua một ngôi nhà lớn hơn. Vì tài chính bây giờ không đủ, bố/mẹ sẽ tham gia lớp học trực tuyến để có thể phát triển các kỹ năng trong công việc và được tăng lương".

Hoặc, nếu con muốn đến Disney World nhưng bạn không muốn chi tiền vào việc đó, hãy nói: "Chúng ta không thể mua vé vì nó không nằm trong ngân sách năm nay". Sau đó, bạn có thể cùng con thiết lập một lọ tiết kiệm để con bỏ tiền tiết kiệm vào đó cho tới khi đủ cho một chuyến đi tới công viên giải trí.

Giúp con nuôi dưỡng thói quen tài chính thông minh, khi lớn lên chúng sẽ biết rằng nếu muốn cái gì đó mà không đủ khả năng chi trả thì có thể điều chỉnh các ưu tiên.

Năm câu nói ảnh hưởng tiêu cực tới con
Ảnh: Shutterstock

2. "Con làm bố mẹ phát điên"

Là bố mẹ, điều quan trọng là giữ bình tĩnh và chống lại sự đổ lỗi cho con hoặc bất kỳ ai. Thay vì hành động một cách giận dữ, phản ứng lành mạnh hơn là nói "Mẹ không thích con làm điều đó" và giải thích rõ lý do. Việc giúp trẻ hiểu hành vi của mình có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào là quan trọng, từ đó khuyến khích chúng nhận thức rõ hơn về cảm xúc của người khác thay vì chỉ chú ý đến bản thân.

Bằng cách giữ bình tĩnh, bạn cũng đã dạy con về khả năng kiểm soát cảm xúc. Tất nhiên, đôi khi bạn vẫn bị mất bình tĩnh. Nếu điều này xảy ra và bạn trót nói điều gì đó đáng hối tiếc, hãy bắt đầu bằng lời xin lỗi: "Bố/mẹ xin lỗi vì đã mất bình tĩnh. Lần tới, bố/mẹ sẽ dành một chút thời gian để bình tĩnh lại".

3. "Bố/mẹ ghét công việc của mình"

Bạn đã có một ngày làm việc mệt mỏi và chỉ muốn về nhà, trút giận lên chồng/vợ mình. Điều này có vẻ vô hại vì thậm chí bạn không nói chuyện trực tiếp với con, nhưng hãy nhớ rằng chúng có thể vô tình nghe được những câu nói này. Các nghiên cứu đã chỉ ra thái độ của chúng ta về cuộc sống có ảnh hưởng lớn trong việc xác định thành công của con cái, đặc biệt là khi nói đến thành tích học tập.

Hơn nữa, phàn nàn về công việc là bạn đã dạy con công việc không phải là niềm vui. Kết quả là khi lớn lên, con tin rằng khi đến tuổi trưởng thành, một nửa số giờ trong ngày chúng phải sống trong cảnh khốn khổ ở nơi làm việc.

4. "Bố/mẹ phải đến cửa hàng (làm gì đó)"

Bất cứ khi nào nói phải làm một điều gì đó, cho dù là một việc vặt, bạn ngụ ý rằng bị buộc phải làm những việc không muốn làm. Thay vào đó, hãy cho con thấy bạn có khả năng kiểm soát thời gian của chính mình.

Những đứa trẻ lớn lên thành công hiểu cuộc sống là tất cả lựa chọn chúng đưa ra. Bạn có thể dạy cho con những bài học quan trọng này bằng cách nói khác như: "Mẹ không muốn đến cửa hàng tạp hóa hôm nay nhưng muốn chắc chắn chúng ta có thức ăn trong tủ lạnh", hay "Mẹ thấy mệt nhưng chúng ta đã nói với bà là sẽ đến thăm bà. Mẹ muốn giữ lời hứa".

Tất nhiên, sẽ có những việc con không muốn làm nhưng hoàn toàn nên làm như đi ngủ đúng giờ hay ăn nhiều rau. Trong những tình huống này, bạn nên giải thích để con hiểu lý do làm điều đó. Khi hiểu tầm quan trọng của một nhiệm vụ, trẻ có nhiều khả năng tuân thủ.

5. "Mọi thứ sẽ ổn thôi"

Khi con không được chọn làm người chơi chính cho đội thể thao, việc thuyết phục bằng câu nói "Mọi thứ sẽ ổn thôi" chẳng giúp ích gì cho tương lai của chúng cả. Thay vào đó, hãy giải thích để con biết mình đủ mạnh mẽ xử lý những "đường cong" không thể tránh khỏi trong cuộc đời.

Nếu con chỉ cần thực hành nhiều hơn, hãy an ủi bằng một cái ôm và thừa nhận cảm xúc của con bằng cách nói "Mẹ biết con thực sự muốn được chọn trong trận đấu này nhưng sẽ còn nhiều cơ hội nữa", sau đó khuyến khích con tập luyện và thử lại khi cảm thấy sẵn sàng.

Bằng cách huấn luyện và hướng dẫn con vượt qua những thời điểm khó khăn, con bạn sẽ được trang bị tốt hơn để xử lý những khó khăn trong tương lai.

Nguồn: VnExpress
vnexpress.net
Phiên bản di động