Năm 2024 có thể có một đợt tăng giá điện
Năm 2024, Kiểm toán Nhà nước sẽ "soi" việc quản lý giá điện Khẩn trương trình Chính phủ cơ chế giá điện nhập khẩu từ Lào |
Nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo giá bán lẻ điện có khả năng sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong năm 2024.
Theo VCBS, sau 2 lần điều chỉnh tăng, giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 2.006,79 đồng/kWh, vẫn thấp hơn khoảng 4,5% so với giá thành sản xuất được ước tính trong năm 2023 của EVN (2.098 đồng/kWh).
Trên cơ sở đó, nhóm chuyên gia của VCBS cho rằng nhiều khả năng sẽ có một đợt điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2024 trong bối cảnh tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn còn khó khăn do tỷ lệ các nguồn nhiệt điện có giá thành cao như nhiệt điện than và nhiệt điện khí được tăng cường huy động.
Ảnh minh họa. |
Các chuyên gia của VCBS kỳ vọng sản lượng điện thương phẩm sẽ tăng trưởng lần lượt 5% và 9,1% trong năm 2023 và 2024 do các hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước sẽ dần phục hồi nhờ các tín hiệu khả quan từ nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ và EU khi các ngân hàng Trung ương trên toàn cầu đã dần đi đến cuối chu kỳ thắt chặt lãi suất.
Cùng với đó, thị trường bất động sản trong dần hồi phục nhờ các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ qua đó thúc đẩy sự phục hồi của các hoạt động xây dựng. Ngoài ra thời tiết khô nóng hơn vào các tháng mùa khô do ảnh hưởng của El Nino cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của khu vực dân cư.
Năm 2023, dự kiến sẽ có khoảng 4.298MW nguồn điện mới đi vào vận hành. Các dự án nhiệt điện than mới đi vào vận như Thái Bình 2 (1.200MW) và Vân Phong I (1.432MW).
Ngoài ra còn có sự đóng của của 779MW thủy điện lớn, 857MW thủy điện nhỏ và VCBS kỳ vọng 4.190MW công suất năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẽ đàm phán thành công giá bán tạm thời với EPTC và bắt đầu vận hành thương mại.
Các chuyên gia VCBS nhận định, công suất nguồn trong năm 2024 sẽ không có sự tăng trưởng cao so với các năm gần đây do các dự án nhiệt điện than lớn đang được triển khai hiện nay đều trong tình trạng chậm tiến độ.
Đồng thời, các dự án nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí nội địa sẽ bắt đầu vận hành vào năm 2026 theo kế hoạch và các dự nguồn điện khí LNG vẫn đang trong quá trình đàm phán hợp đồng mua bán điện. Bên cạnh đó, công suất năng lượng tái tạo chững lại do các vướng mắc về chính sách, kế hoạch triển khai cũng như cơ chế giá phù hợp.