Mỹ áp thuế tới 46%: Cú sốc lớn nhưng cũng là phép thử cho Việt Nam
Chính sách thuế mới làm rung chuyển thế giới của Tổng thống Mỹ Chính phủ chốt giảm thuế nhập khẩu loạt mặt hàng |
Cú sốc lớn, nhưng không phải là dấu chấm hết
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đưa tin, chiều 2/4 (giờ địa phương, tức sáng 3/4 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.
Ngoài mức thuế cơ bản 10%, chính quyền Trump cũng sẽ áp dụng thuế đối ứng đối với các quốc gia khác mà Nhà Trắng coi là có sự mất cân bằng thương mại với Mỹ. Mức thuế này sẽ bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó áp dụng cho hàng xuất khẩu của Mỹ.
Trong danh sách được Tổng thống Donald Trump công bố những quốc gia bị áp thuế đối ứng, Việt Nam nằm ở top những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất lên tới 46%.
Nhận định về việc này, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, việc Mỹ tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam không chỉ là một thách thức thương mại, mà còn là phép thử lớn đối với bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược của Việt Nam. Khi cánh cửa này khép lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra. Đây chính là thời điểm để nền kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh mẽ, nâng cấp vị thế và tạo ra những giá trị mới bền vững hơn.
Theo ông Huy, Việt Nam không thể mãi đứng ở vị trí của một công xưởng gia công giá rẻ. Thế giới đang thay đổi, và Việt Nam cần nhanh chóng chuyển dịch sang nền kinh tế sáng tạo, công nghệ cao, giá trị gia tăng.
![]() |
Xuất khẩu nông sản sang Mỹ sẽ gặp khó. |
Chia sẻ nguyên nhân Mỹ tăng thuế với Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, dòng vốn FDI đổ về Việt Nam quá mạnh trong những năm gần đây, khiến Mỹ lo ngại về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Cùng đó, tranh cử Tổng thống Mỹ và chính sách bảo hộ sản xuất nội địa khiến Washington gia tăng hàng rào thương mại; ngoài ra là lo ngại về việc hàng Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam để né thuế.
Đánh giá tác động về chính sách này, ông Huy cho rằng, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ sẽ đối diện với mức thuế cao nhất trong lịch sử, đặc biệt là dệt may, gỗ, điện tử, sắt thép, nông sản.
Đồng thời, lợi thế cạnh tranh về chi phí sản xuất bị thu hẹp, buộc doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng đổi mới mô hình kinh doanh; tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhưng đây cũng là động lực để Việt Nam tái định vị mình trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, đây là tín hiệu để Việt Nam thoát khỏi tư duy “quốc gia gia công” và vươn lên thành trung tâm sản xuất công nghệ, tài chính và dịch vụ toàn cầu.
Chuyển mình từ “công xưởng gia công” thành “quốc gia sáng tạo”
Theo ông Nguyễn Quang Huy, đây chính là thời điểm Việt Nam cần chuyển mình để thoát khỏi bẫy xuất khẩu thô và hướng tới nền kinh tế tri thức.
Theo đó, xuất khẩu không chỉ là hàng hóa, mà phải là công nghệ, trí tuệ và thương hiệu, Việt nam cần đầu tư mạnh vào chip bán dẫn, AI, công nghệ cao, sản xuất thông minh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó là chuyển từ mô hình “bán nguyên liệu” sang “chế biến sâu” trong nông sản, thủy sản, công nghiệp, nâng cao giá trị thương hiệu Việt.
Ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, muốn đi xa, không thể chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ. Việt Nam cần tận dụng lợi thế về trí tuệ, sáng tạo và công nghệ để bứt phá. Thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu hàng hóa, chúng ta cần đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa, du lịch, dịch vụ sáng tạo như cách Hàn Quốc và Nhật Bản đã làm.
![]() |
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi. |
Vị chuyên gia cho rằng, cần biến văn hóa Việt Nam thành một thương hiệu toàn cầu, từ âm nhạc, điện ảnh, thời trang đến ẩm thực. Đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch chất lượng cao, phát triển các tour du lịch quốc tế, thu hút dòng vốn từ khách du lịch nước ngoài; đưa Việt Nam thành điểm đến cho hội nghị quốc tế, triển lãm, sự kiện văn hóa toàn cầu.
"Việt Nam không chỉ là một “công xưởng sản xuất”, mà phải trở thành một trung tâm sáng tạo và giao lưu văn hóa của Châu Á", ông Huy chia sẻ.
Cùng đó, Việt Nam cần có chiến lược mạnh mẽ để trở thành trung tâm tài chính, logistics và R&D toàn cầu. Trong đó cần phát triển thị trường vốn, tài chính số, fintech để thu hút dòng tiền toàn cầu; xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn các quỹ đầu tư lớn.
Cụ thể, Việt Nam cần phát triển hạ tầng cảng biển, đường sắt, hàng không thông minh, kết nối toàn cầu; thu hút các tập đoàn logistics lớn, đưa Việt Nam thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng của thế giới.
Đồng thời đầu tư vào AI, blockchain, bán dẫn, sản xuất công nghệ cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; hợp tác với Apple, Google, Intel, Tesla, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đặt trung tâm R&D tại Việt Nam.
"Không chỉ là một nước sản xuất, Việt Nam cần trở thành quốc gia sáng tạo và dẫn đầu về công nghệ, tài chính, logistics. Singapore đã làm được, Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt hơn", ông Nguyễn Quang Huy chia sẻ.
Nêu thêm giải pháp, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, ở góc độ các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy không chỉ sản xuất, mà phải làm chủ công nghệ; đầu tư vào đổi mới sáng tạo, AI, tự động hóa, chuyển đổi số; đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Mỹ, mở rộng sang EU, Nhật Bản, Trung Đông.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ như ưu đãi thuế cho doanh nghiệp công nghệ cao, R&D, startup sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, tận dụng FTA với EU, Anh, Nhật, Hàn Quốc; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo thế hệ kỹ sư, chuyên gia công nghệ, tài chính toàn cầu.
Kết luận lại, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, Việt Nam đang đứng trước một thời khắc quan trọng trong lịch sử phát triển. Mức thuế 46% từ Mỹ không phải là dấu chấm hết, mà là động lực để Việt Nam thay đổi về chất.
"Thách thức là lớn, nhưng cơ hội còn lớn hơn. Việt Nam không chỉ đối phó với cú sốc này mà phải tận dụng nó để chuyển mình, bứt phá và khẳng định vị thế trên trường quốc tế", ông Nguyễn Quang Huy nhận định.