Chính sách thuế mới làm rung chuyển thế giới của Tổng thống Mỹ

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Đặc biệt áp thuế đối ứng tới 46% đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Chính phủ chốt giảm thuế nhập khẩu loạt mặt hàng Đề nghị rà roát mức thuế suất và lộ trình tăng với rượu, bia

Chiều 2/4 (giờ địa phương, tức sáng 3/4 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.

Ngoài mức thuế cơ bản 10%, chính quyền Trump cũng sẽ áp dụng thuế đối ứng đối với các quốc gia khác mà Nhà Trắng coi là có sự mất cân bằng thương mại với Mỹ. Mức thuế này sẽ bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó áp dụng cho hàng xuất khẩu của Mỹ.

Trong danh sách được Tổng thống Donald Trump công bố những quốc gia bị áp thuế đối ứng, Việt Nam nằm ở top những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất lên tới 46%.

Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng bị áp thuế như: Campuchia ở mức 49%, Thái Lan bị áp mức thuế 36%, Đài Loan, Indonesia 32%. Riêng Trung Quốc trước đó đã bị đánh thuế 20%, giờ bị áp thêm 34% là 54%.

Ông Trump nhấn mạnh rằng các quốc gia muốn được miễn trừ khỏi chính sách thuế đối ứng của Mỹ cần phải thay đổi chính sách thương mại của mình.

"Hãy chấm dứt thuế quan, dỡ bỏ các rào cản, ngừng thao túng tiền tệ và bắt đầu mua hàng chục tỷ USD hàng hóa của Mỹ", Tổng thống Donald Trump tuyên bố.

Chính sách thuế mới làm rung chuyển thế giới của Tổng thống Mỹ
Ngành dệt may được đánh giá sẽ chịu tác động nặng nề sau chính sách thuế của Tổng thống Mỹ.

Theo quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump, việc áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ bắt đầu từ ngày 5/4, nghĩa là tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải chịu mức thuế nhập khẩu chung 10% này. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, theo bảng ông Trump đã công bố.

Hiện tại, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Colombia và Mexico đã tuyên bố sẽ phản ứng với các hành động thương mại của ông Trump. Nhiều người gọi mức thuế quan có đi có lại mới của Mỹ là vô lý và không cân xứng.

Đối với Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Công thương, năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt hơn 132 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Mỹ đạt 13 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 5/3, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một số chính sách, đặc biệt liên quan vấn đề áp thuế. Tất cả mặt hàng trên thế giới đều bị áp thuế khi xuất khẩu vào Mỹ nhưng mức độ khác nhau giữa các mặt hàng, quốc gia.

Theo ông Tân, tác động từ các chính sách thương mại của Mỹ tác động, làm thay đổi, dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu. "Việt Nam không nằm ngoài, chịu tác động bởi việc này nhưng chưa phải là nước chịu tác động mạnh", ông nói.

Để ứng phó, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ ngành chủ động báo cáo Chính phủ về các vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Bộ Công thương đã chủ động chuyển tải thông điệp tới nước này về mong muốn duy trì và xây dựng mối quan hệ kinh tế, thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi. Đồng thời, nhà điều hành khẳng định Việt Nam không có bất cứ chính sách nào có thể gây phương hại đến người lao động và an ninh quốc gia của Mỹ.

"Quan điểm của Bộ Công thương là Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh bổ sung cho nhau", ông Tân nói và cho biết nguyên nhân gây mất cân bằng trong thương mại giữa hai nước xuất phát từ tính chất bổ trợ giữa hai nền kinh tế, tức là do cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước.

Cụ thể, hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường nước này. Ngược lại, việc này còn tạo điều kiện để người tiêu dùng Mỹ sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng khẳng định Việt Nam theo đuổi một chính sách thương mại tự do, mức độ chênh lệch thuế quan với hàng hoá Mỹ là không nhiều. Trong thời gian tới, mức độ chênh lệch có thể tiếp tục thấp hơn, do Việt Nam chủ trương giảm thuế ưu đãi (MFN) với nhiều mặt hàng.

Hậu Lộc

Bình luận

Phiên bản di động