Muối ớt Tây Ninh đưa làng nghề truyền thống trở thành di sản văn hóa

Mới đây, Tây Ninh đón tin vui khi nghề thủ công truyền thống làm muối ớt được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Di sản văn hóa - Nguồn lực để phát triển du lịch Dân mạng hào hứng chờ... muối chấm trong mì Hảo Hảo được bán lẻ

Theo Quyết định số 230/QĐ-BVHTTDL do Bộ VH-TT&DL vừa ban hành, nghề thủ công truyền thống ''làm muối ớt Tây Ninh'' được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Được biết, nghề thủ công truyền thống ''làm muối ớt Tây Ninh" là di sản phi vật thể thứ 8 của Tây Ninh, bên cạnh Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, Lễ Kỳ yên đình Gia Lộc, Múa trống Chhay dăm, Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen, Lễ hội Quan Lớn Trà Vong Tân Biên và Nghệ thuật chế biến món ăn chay.

Muối ớt Tây Ninh đem làng nghề truyền thống trở thành di sản văn hóa
Sắc đỏ cam đong vị nắng đầy

Chuyện nghề muối chắt hương biển, trời

Nghề làm muối ở Tây Ninh khá lâu đời.Theo những người có thâm niên nghề, muối tôm Tây Ninh ra đời trong giai đoạn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của quân và dân Tây Ninh.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, trong năm 2022, Tây Ninh có 37 cơ sở đăng ký thương hiệu làm nghề muối ớt, ở các nơi như thành phố Tây Ninh, huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành và rải rác ở các huyện Châu Thành, Bến Cầu…

Hiện nay, nghề làm muối Tây Ninh tồn tại ở hai cấp độ quy mô chính: dạng những lò muối, hộ nhỏ lẻ làm thủ công và hộ nâng thành cơ sở sản xuất muối và thực phẩm, đăng ký thương hiệu muối Tây Ninh.

Nguyên liệu tuy đơn giản, mộc mạc, mà chén muối lại có đủ chua, cay, mặn, ngọt; cái đậm đà đến cay nồng vị giác khiến bao du khách đã từng thử qua đều không thể nào quên. Tôm khô, muối hột đem hương biển hòa cùng vị nắng thơm cay căng đầy trong những trái ớt rực rỡ, thiếu một trong ba sẽ mất hẳn sắc, hương, vị của món đặc sản trứ danh.

Các nguyên liệu làm muối tôm sẽ được xay nhuyễn, trộn với muối, thêm sả và tỏi theo tỉ lệ nhất định. Công đoạn cuối cùng là rang trên chảo nóng, đây cũng là giai đoạn phức tạp nhất để hoàn thành món muối thơm ngon. Rang đến khi hạt muối vàng rụm, có mùi thơm đặc trưng thì sẽ đạt độ hoàn hảo.

Muối ớt Tây Ninh đưa làng nghề truyền thống trở thành di sản văn hóa
Quy trình sản xuất thủ công đảm bảo an toàn vệ sinh và giữ gìn truyền thống

Muối tôm là chân ái, xoài chua là tri kỷ...

Tín đồ của các món quả chua và bánh tráng trộn giờ đây chắc chắn sẽ rất tự hào nếu ôm một hũ muối ớt tôm Tây Ninh đi biếu, tặng đồng nghiệp, đối tác. Một món gia vị đơn giản, quen thuộc với bao thế hệ đặc biệt là giới trẻ với những túi xoài lát, cóc dầm chua xuýt xoa thêm sức hấp dẫn không thể chối từ. Vị mặn mà cay cay và cái ngọt của tôm kết hợp với vị chua của xoài, cóc mà ăn một miếng rồi, thì sẽ có miếng thứ hai, thứ ba.

Muối ớt Tây Ninh đem làng nghề truyền thống trở thành di sản văn hóa
Một sức hấp dẫn khó chối từ khi thấy hình ảnh này

Bộ đôi muối tôm - bánh tráng như món ăn vặt danh bất hư truyền. Món gia vị này xuất hiện đo kèm các nguyên liệu làm nên món bánh tráng trộn, bánh tráng cuốn thương hiệu Việt đậm đà, hoặc kết hợp với trái cây, đặc biệt là xoài, ổi, cóc, mận,... thì muối tôm còn khiến vị giác người ăn thêm phần chua cay kích thích. Sương sương thì chấm muối theo kiểu truyền thống, bày biện kỳ công hơn thì đem muối trộn rồi lắc cùng với mắm đường, hoặc làm sốt muối tôm dẻo quánh chấm trái cây, hải sản, thịt đều rất đu đưa bon miệng.

Nguyễn T.H.H (Thanh Xuân) nói : "Muối ớt tôm rất quen thuộc với chị em văn phòng, tráng miệng ăn trưa nếu có hoa quả chua thì hũ muối mình mang lên cho hội chị em phải mua thêm liên tục. Mình cảm thấy rất thú vị và tự hào khi nghe tin nghề làm muối ớt ở tỉnh Tây Ninh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này cho thấy nước mình đang dần chú ý đến các nét văn hóa đặc trưng của các vùng miền, khiến cho văn hóa Việt Nam nước mình được biết đến với nhiều màu sắc đa dạng hơn nữa trong mắt người ngoại quốc."

Lê Huỳnh Yến, một người con Tây Ninh học tập và định cư tại Canada, cho biết cô sẽ nhờ bố mẹ gửi muối ớt tôm cho mình sớm. "Tuy bị đau dạ dày nhưng mình không thể bỏ được đam mê muối ớt. Cay tới sưng môi đỏ lưỡi mà mình vẫn ham ăn trái cây chua với muối này. Ba mình mới gọi điện sang nói nghề muối Tây Ninh quê mình trở thành di sản văn hóa phi vật thể, liền đặt luôn hai thùng lớn sang Canada để tặng bạn bè ngoại quốc, phải quảng cáo cho quê hương mình để nhiều người biết tới Việt Nam cũng như Tây Ninh hơn nữa, muối tôm rất ngon mà." - Yến thích thú chia sẻ.

Muối ớt Tây Ninh đem làng nghề truyền thống trở thành di sản văn hóa
Lê Huỳnh Yến cùng lọ muối tôm bất ly thân dù ở trường học hay đi chơi xa

Ngày nay, những cơ sở làm muối cũng đã trở nên chuyên nghiệp hơn từ khâu quảng bá đến đóng gói. Hũ muối tôm đã trở thành món quen thuộc trên các hàng siêu thị, trên sàn thương mại điện tử đến xuất khẩu sang nước ngoài. Đặc biệt, món muối tôm còn nhiều lần "cháy hàng" trên sàn thương mại điện tử vì người người nhà nhà đều muốn thưởng thức hương vị mặn ngọt, thơm cay này.

Nghề thủ công truyền thống ''làm muối ớt Tây Ninh'' được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, vừa là niềm tự hào nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm đối với người dân nơi đây về việc bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề trong thời hội nhập.

Tùng Linh
Phiên bản di động