Mua sắm thời Covid-19: Nở rộ quán không người bán, đồ treo ở tay nắm cửa

Để tránh tiếp xúc trong mùa dịch Covid-19, nhiều kiểu kinh doanh mới được ra đời như quán không người bán, khách tự giác trả tiền hay hàng hóa
Đi chợ theo phiếu và cách mua sắm thông minh trong mùa dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người dân hạn chế ra khỏi nhà, do đó, các hình thức mua sắm cũng dần dịch chuyển để phù hợp với tình hình. Ở Hà Nội, nhiều người chọn hình thức mua sắm online ngay trên các nhóm chợ nội bộ khu chung cư.

Nhóm chợ nội bộ này được hình thành từ chính những người dân sống ngay tại chính chung cư. Sản phẩm hàng hóa có thể là được kinh doanh chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư kiểu đồ ở nhà, ở quê gửi lên. Hình thức bán hàng là treo đồ ở tay nắm cửa và chuyển khoản để hạn chế các tiếp xúc gần.

Mua sắm thời Covid-19: Nở rộ quán không người bán, đồ treo ở tay nắm cửa - 1
Hàng hóa được treo ở tay nắm cửa chung cư, tránh tiếp xúc.

Chị Phương, một thành viên của nhóm chợ nội bộ cư dân tại chung cư thuộc quận Tây Hồ (Hà Nội) kể, mỗi ngày chị bán được cả trăm đơn từ rau củ quả đến hải sản, thịt cá cho các hàng xóm cùng khu.

"Thời điểm giãn cách, mọi người hạn chế đi ra ngoài. Việc đặt online sau đó đồ ship đến tận cửa thuận lợi hơn rất nhiều cho các cư dân. Chúng tôi cũng thống nhất không tiếp xúc gần mà chỉ bấm chuông rồi treo ở cửa, thanh toán bằng chuyển khoản", chị Phương chia sẻ.

Mua sắm thời Covid-19: Nở rộ quán không người bán, đồ treo ở tay nắm cửa - 2
Gian hàng thực phẩm không người bán, khách tự giác trả tiền ở Hà Nội (Ảnh: Đỗ Quân).

Hay mới đây, trên phố Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội), chuỗi gian hàng không người bán chính thức đi vào hoạt động. Người dân khi đến đây sẽ tùy chọn sản phẩm cần mua và tự động bỏ tiền vào hộp. Nếu người mua khi đến lấy đồ không có tiền mặt có thể được nợ và đến trả sau.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Nguyễn Hoàng Kiệt, quản lý gian hàng cho biết: "Cửa hàng chủ yếu giúp người dân thuận tiện trong việc mua hàng và đảm bảo khoảng cách trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Người dân đến mua hàng thoải mái lựa chọn sản phẩm mà mình cần và tất cả các sản phẩm đều đồng giá 10 nghìn đồng. Sau đó, khách hàng tự bỏ tiền vào hòm tùy vào sự trung thực, tự giác của mọi người".

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các quán hàng, khu chung cư sáng tạo ra cách giao nhận hàng không tiếp xúc là cách làm sáng tạo, nhằm đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân và tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong mùa dịch Covid-19.

"Đây là cách để người bán và người mua không cần tiếp xúc trực tiếp mà vẫn có thể mua bán, trao đổi hàng. Tất nhiên khi giao nhận, người dân cần khử khuẩn, thực hiện nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn", ông nói.

Đồng thời, ông Thịnh cũng khuyến cáo, khi mua hàng với cách này, người dân nên tìm kỹ thông tin, chất lượng sản phẩm trước khi giao dịch để tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Nội đánh giá, nhiều cửa hàng, chung cư ở Hà Nội tổ chức giao nhận hàng không tiếp xúc là việc làm đáng khen. Nhưng để đạt hiệu quả cao nhất, cả người bán và người mua phải thực tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế và không được phép bỏ qua bất cứ quy trình nào.

"Cách làm này thì rất hay, sáng kiến nhưng thực hiện có đúng quy định không mới là vấn đề. Hàng hóa có treo ở tay nắm cửa hay để ở sảnh chung cư nhưng người bán, người mua khi giao nhận hàng không đeo khẩu trang, không diệt khuẩn, không giãn cách thì cũng không hiệu quả. Bởi ở đó không có đội giám sát, quản lý 24/24 thì mọi người rất dễ bỏ qua các công đoạn và làm liều", ông nói.

Từ đó ông Phú cũng đề xuất, để tránh làm đứt gẫy chuỗi cung ứng trong mùa dịch Covid-19, các cơ quan chức năng cần thực hiện ngay những điểm sau: Thứ nhất là khơi thông các luồng xanh để việc vận chuyển hàng hóa diễn ra thuận lợi. Thứ hai là tổ chức lại hệ thống phân phối theo hướng vừa chống dịch, vừa giãn cách xã hội.

Thứ 3 là tăng cường dự trữ hàng hóa, đảm bảo việc bán hàng được diễn ra liên tục, tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Thứ tư là làm tốt công tác quản lý thị trường. Cuối cùng là công tác tổ chức thực hiện, trong đó, các ban chỉ đạo ở các địa phương phải làm việc với trách nhiệm cao nhất, phải luôn gần dân, gần doanh nghiệp để nắm và xử lý thông tin kịp thời.

Nguồn: Dân trí
dantri.com.vn
Phiên bản di động