Miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Chiều 2/4, Quốc hội đã tiến hành thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với ông Nguyễn Phú Trọng.
Quốc hội thông qua nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Hôm nay, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín, trình nhân sự để bầu mới

Kết quả có 91,25 % đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với ông Nguyễn Phú Trọng.

Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước quyết nghị: Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Phú Trọng. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (dự kiến ngày 5/4).

Miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó với trọng trách là Chủ tịch nước. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu sau khi Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hơn 2 năm qua, trong điều kiện cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước. Mặc dù nhiệm vụ rất nặng nề nhưng trách nhiệm cao cả trước Đảng, Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hết tâm sức của mình cho sự phát triển của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước.

“Thay mặt Quốc hội, xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Tổng Bí thư luôn mạnh khỏe, cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành trung ương Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đưa đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, quê ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ông giữ chức Tổng Bí thư trong 3 khóa (XI, XII, XIII); là Ủy viên Bộ Chính trị 6 khóa (từ khóa VIII đến khóa XIII); Ủy viên Trung ương 7 khóa (từ khóa VII đến khóa XIII) và là đại biểu Quốc hội 4 khóa (từ khóa XI đến khóa XIV).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước vào ngày 23/10/2018 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội về công tác của Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 cho thấy, mặc dù nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt, từ cuối năm 2018, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân.

Báo cáo khẳng định, kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...

Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Chính vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.

Trần Nghĩa
Phiên bản di động