MB có thể xử lý nhanh nợ xấu sau dịch Covid-19
MBBank: Nợ khả năng mất vốn tăng vọt, vượt 1.300 tỷ đồng |
Theo đó, về kết quả kinh doanh, quý 1/2020, lợi nhuận trước thuế của MB đạt 2.195 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng vẫn nghi nhận mức tăng trưởng của tổng thu nhập, tuy nhiên chi phí trích lập dự phòng lên tới 2.092 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận trước thuế suy giảm.
Tại báo cáo này, VCBS cho rằng, nợ xấu gia tăng nhanh trong quý I cùng với rủi ro tiềm tàng đang là vấn đề thách thức MB và toàn ngành ngân hàng.
Hội sở MB. |
Theo VCBS, tỷ lệ nợ xấu của MB ghi nhận 1,62%, tăng mạnh so với mức 1,16% thời điểm cuối năm 2019; dư nợ nhóm 3 – 5 ghi nhận 4.005 tỷ đồng, tăng 23,9%. Tỷ lệ nợ nhóm 2 – 5 tăng lên mức 3,54% từ mức 2,31% cuối năm 2019. Nợ xấu tăng nhiều ở mảng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (DPRR) được MB trích lập cho quý 1/2020 là 2.093 tỷ đồng, tăng 117% so với thời điểm cuối năm 2019, ngân hàng cũng đã sử dụng dự phòng rủi ro để xóa nợ lên tới 1.368 tỷ đồng. Số dư khoản mục DPRR trên bảng cân đối kế toán tăng lên mức 3.907 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) ghi nhận 98%, giảm nhẹ so với mức 110% cuối năm 2019.
''Trong bối cảnh rủi ro nợ xấu tiềm ẩn do tác động của dịch bệnh, chúng tôi cho rằng những thận trọng của MB là hợp lý. Tuy nhiên, nợ xấu tăng lên là vấn đề đáng quan tâm trong các kỳ báo cáo sắp tới đối với MB nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung'', VCBS đánh giá.
Song song với áp lực nợ xấu, MB cũng đang phải đối mặt với một khó khăn khác liên quan đến chi phí vốn. Tiền gửi không kỳ hạn trong danh mục huy động khách hàng (CASA) vốn là lợi thế lớn nhất của MB trong nhiều năm qua khi ngân hàng là thành viên của khối các doanh nghiệp quân đội. Lợi thế này giúp cho MB có chi phí vốn thuộc nhóm thấp nhất ngành.
Tuy nhiên, VCBS cho rằng, trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp quân đội sẽ khó tối ưu hóa chi phí hơn so với các doanh nghiệp tư nhân dẫn tới nhu cầu sử dụng tiền mặt cao hơn và làm cho lượng tiền gửi không kỳ hạn tại MB suy giảm nhanh hơn toàn ngành. Tỷ lệ CASA suy giảm có thể rút ngắn lại khoảng cách chi phí vốn giữa MB và các ngân hàng khác.
Về kết quả kinh doanh năm 2020, VCBS ước tính MB có thể đạt 9.228 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 8% so với năm 2019.
Đưa ra quan điểm đầu tư với cổ phiếu MBB, VCBS đánh giá, MB là ngân hàng đã bắt đầu quá trình trích lập dự phòng rủi ro từ rất sớm khi ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh trong quý1/2020. Chất lượng tài sản của MBB vẫn trong tầm kiểm soát và ngân hàng có thể hoàn thành quá trình xử lý nợ xấu sau dịch trong thời gian ngắn hơn trung bình ngành.
Tuy nhiên, với rủi ro suy giảm lợi nhuận trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã hạ quan điểm đầu tư với cổ phiếu MBB của MBBank từ ''mua'' xuống ''khả quan'' và ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu này là 19.448 đồng/cổ phiếu.