Mạnh tay xử lý hành vi quảng cáo “thổi phồng” sự thật
Siết hoạt động quảng cáo đối với người có ảnh hưởng Hà Nội: Nhiều nhà thuốc, công ty dược bị xử phạt vi phạm quảng cáo |
Góp ý, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho biết, quảng cáo là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều thành tựu và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.
Do vậy, việc sửa đổi các quy định về quảng cáo để hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện cho hoạt động này tiếp tục phát triển, đồng thời phù hợp với bối cảnh công nghệ 4.0 và bao quát, kiểm soát được các hành vi quảng cáo sai sự thật, đảm bảo hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, văn minh, trung thực là rất cần thiết.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM). |
Đáng chú ý, bên cạnh quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, dự thảo luật lần này cũng đã quy định cụ thể về vai trò, quyền và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo - những người tham gia vào hoạt động quảng cáo.
Các đại biểu cho rằng, đây là một điểm mới tiến bộ so với Luật Quảng cáo 2012.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phan Thị Thanh Phương (đoàn TP HCM), cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải quy định rõ hơn trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, thông tin cung cấp về sản phẩm để người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thực hiện hoạt động quảng cáo.
Đại biểu Phan Thị Thanh Phương (đoàn TP HCM). |
Đại biểu cũng đánh giá cao việc dự thảo luật có quy định yêu cầu báo chí phải có dấu hiệu phân biệt giữa nội dung thông thường và nội dung được tài trợ để quảng cáo. Tuy nhiên, dự thảo luật mới chỉ quy định áp dụng cho loại hình báo in mà chưa bao quát các hình thức báo khác như báo hình, báo nói. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần cân nhắc, bổ sung để đảm bảo tính minh bạch.
Về vấn đề xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng, sử dụng hình ảnh của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo, đại biểu Phan Thị Thanh Phương cho rằng, mặc dù các quy định về xử phạt đối với các hành vi này đã được bổ sung vào dự thảo luật.
Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này trong thực tế vẫn chưa nhiều và chưa đủ tính răn đe. “Nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật khi bị phát giác cũng chỉ lên tiếng xin lỗi là xong”, đại biểu nêu ví dụ.
Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần phải có chế tài mạnh hơn để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để làm gương, tạo tác động răn đe.
Các đại biểu đoàn TP HCM cũng cho biết, hiện nay còn xuất hiện thêm các hình thức quảng cáo mới như sử dụng trái phép hình ảnh người có ảnh hưởng, clip ngắn trên mạng xã hội, dự thảo luật lần này cũng cần có quy định cụ thể để quản lý và xử lý các hình thức quảng cáo này.