Lý giải nguyên nhân dự án nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong chậm tiến độ
Xử lý rác phải tiếp cận công nghệ hiện đại
Dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong, được bắt đầu triển khai từ năm 2014 với công suất giai đoạn I là 240 tấn/ngày đêm. Dự án do Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai là chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho địa bàn các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức góp phần giảm thiểu chôn lấp rác thải của TP, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Khu vực Núi Thoong |
Để thực hiện dự án, tháng 6/2014, nhà đầu tư đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thiết bị môi trường Hà Linh với chức năng tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng và chuyển giao công nghệ, bán và lắp đặt công nghệ đốt tiêu hủy cho dự án nhà máy xử lý rác Núi Thoong, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ giai đoạn I.
Đến tháng 5/2015, nhà đầu tư ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai sản xuất 7.200m2 nhà xưởng bằng bê tông dự ứng lực để xây dựng nhà chứa rác, dây chuyền công nghệ lò đốt, thiết bị tách lọc rác.
Tuy nhiên, do chưa có mặt bằng triển khai dự án nên hiện nay toàn bộ khung nhà xưởng 7.200 m2 đang được tập kết tại sân bãi của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (đã hoàn thành việc thanh toán kinh phí sản xuất, lắp đặt), hàng tháng nhà đầu tư phải trả tiền phí bến bãi tập kết. Riêng toàn bộ dây chuyền tách lọc - lò đốt - thiết bị công nghệ nhà đầu tư đã mua sắm đang lưu tại bến bãi của Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai).
Sơ đồ công nghệ tổng quát đốt rác thải và phát điện |
Mặt khác, ngày 23/11/2015, nhà đầu tư có văn bản số 83/CV- MTĐT gửi UBND TP cho chủ trương nâng công suất giai đoạn I sử dụng công nghệ ngoài nước đốt phát điện cho giai đoạn II tại Núi Thoong.
Đến ngày 14/9/2016: UBND TP Hà Nội có văn bản số 8199/VP-ĐT về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải Núi Thoong, trong đó “cho phép Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai lập dự án đầu tư giai đoạn II xây dựng nhà máy phù hợp, đồng bộ với giai đoạn I để giảm chi phí đầu tư, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả khi sử dụng”.
Song, do dự án chưa triển khai được giai đoạn I nên nhà đầu tư mới chỉ dừng lại ở bước tiếp cận với công nghệ của nước ngoài – công nghệ tái tạo năng lượng. Ngày 27/9/2017, UBND huyện Chương Mỹ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho Nhà đầu tư (tổng thời gian thu hồi đất 9 năm mới hoàn thành). Tiếp đó, ngày 2/4/2018: UBND TP Hà Nội ban hành văn bản 1378/UBND-KHĐT yêu cầu Nhà đầu tư phải thay đổi công nghệ hiện đại…
Thích ứng với đòi hỏi ngày càng cao
Theo đại diện Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai – ông Nguyễn Ngọc Oanh, với công suất 500 tấn/ngày thì không đảm bảo hiệu quả của dự án nhà máy đốt rác phát điện theo công nghệ hiện đại để tái tạo năng lượng. Do đó, nhà đầu tư đã có văn bản đề nghị TP và các đơn vị có liên quan điều chỉnh công suất tiếp nhận rác của dự án lên 2.000 tấn/ngày. Điều này sẽ đảm bảo hiệu quả công suất phát điện, giải quyết nhu cầu cấp bách về công tác xử lý rác cho các huyện vùng phía Nam và Tây Nam TP.
Được biết, đến nay, TP cơ bản đã thống nhất và giao cho các sở, ngành xem xét đầu tư để nâng công suất trong đó có thể điều chỉnh quy hoạch để dự án sớm triển khai đi vào hoạt động.
Cũng theo ông Oanh, việc xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại là xu thế tất yếu để bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, công nghệ đốt để xử lý nhiệt tái tạo năng lượng (Waste to Energy) được lựa chọn cho xử lý rác thải sinh hoạt tại Việt Nam.
Công nghệ này gồm đốt và khí hóa/khí hóa plasma có thể tận dụng nhiệt dư để phát điện hoặc tạo hơi dụng cho các mục đích khác nhau.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ |
Ở Việt Nam, Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ - Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện đầu tiên tại Việt Nam và thành phố Cần Thơ đã áp dụng công nghệ mới này và thành công, góp phần thay đổi quan điểm về việc xử lý rác theo cách “truyền thống” như trước kia.