Lưu giữ hình ảnh nhạy cảm của người khác trong thiết bị điện tử có phạm luật?
Coi chừng bị lộ thông tin cá nhân và ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội |
Mới đây, vụ việc một người phụ nữ tại Long Biên (Hà Nội) tố bị bạn tình dùng clip nóng đe dọa, ép làm nô lệ tình dục trong nhiều năm liền khiến dư luận xôn xao. Vậy việc lưu giữ hình ảnh, clip nhạy cảm của người khác trong điện thoại, máy tính có vi phạm pháp luật hay không?
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Quang Tâm, Văn phòng Luật Phúc Quang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có nhận định như sau:
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh:
"1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Lưu giữ hình ảnh nhạy cảm của người khác trong thiết bị điện tử có phạm luật? Ảnh minh họa (Infonet) |
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật."
Theo đó, việc bạn trai cũ của bạn sử dụng hình ảnh của bạn mà không có sự đồng ý của bạn là vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh, do đó, bạn có quyền yêu cầu Tòa á để yêu cầu bạn trai cũ của bạn chấm dứt việc sử dụng hình ảnh của bạn khi không có sự đồng ý, đồng thời, yêu cầu bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định.
Bên cạnh đó, Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 còn có quy định:
"1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;
d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm."
Với quy định của điều luật này, bản thân hành vi "làm ra" vật phẩm có tính chất đồi trụy sẽ không cấu thành tội phạm nếu những người làm ra vật phẩm này không “nhằm phổ biến” những vật phẩm đó cho người khác.
Đối chiếu các quy định vừa viện dẫn với trường hợp cụ thể như việc người phụ nữ tố bị bạn tình dùng clip ép quan hệ tình dục, hành vi lưu giữ của người đàn ông mà không có sự đồng ý của người phụ nữ không chỉ là sự vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh mà còn xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh, vi phạm nghiêm trọng.
Nếu việc sử dụng hình ảnh nhạy cảm của người khác trên máy cá nhân nhưng cố tình để cho người khác biết hoặc giới thiệu cho người khác xem thì hành vi “nhằm phổ biến” đó mang dấu hiệu của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Người phụ nữ có thể gửi đơn đến Cơ quan điều tra để đề nghị xử lý theo quy định tại Điều 326 Bộ luật hình sự như đã nêu trên.