Công an huyện Yên Lạc triển khai cấp thẻ căn cước cho trẻ em
Từ ngày 1/7, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới, trong đó, chuyển từ cấp căn cước công dân (CCCD) sang thẻ căn cước; cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch.
Cháu Nguyễn Đạt, đủ 14 tuổi tại thị trấn Yên Lạc vô cùng phấn khởi vì lần đầu tiên được làm thẻ căn cước. Chỉ mất vài phút được lực lượng Công an hướng dẫn và thu nhận thông tin sinh trắc học, ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ảnh thẻ, đã hoàn thành xong.
"Cháu rất vui khi hôm nay được làm căn cước được các cô chú Công an cũng hướng dẫn cháu tận tình để làm căn cước nên là mất vài phút là cháu làm xong", Đạt chia sẻ.
Thu nhận mẫu vân tay của công dân |
Luật Căn cước số 26/2023/QH15 được Quốc hội khóa 15, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 27/11/2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024; gồm 7 chương, 46 điều. So với Luật Căn cước 2014, Luật Căn cước 2023 có 10 điểm mới, gồm: Chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước (Điều 3). Giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp (Điều 46). Chứng minh nhân dân 9 số hết hiệu lực từ 1/1/2025 (Điều 46). Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ Căn cước (Điều 18). Mở rộng đối tượng được cấp thẻ Căn cước (Điều 18 và 19). Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 6 tuổi (Điều 22). Bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được Quốc tịch (Điều 3 và Điều 30). Bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử (Điều 31 và Điều 33). Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23). Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước (Điều 22).
Lần đầu tiên đưa con gái 4 tuổi đi cấp thẻ căn cước , chị Nguyễn My, trú tại xã Nguyệt Đức cảm thấy rất hài lòng.
Chị My cho biết, thủ tục cấp căn cước rất đơn giản, tác phong phục vụ của lực lượng công an rất tận tình.
Theo Trung tá Trần Minh, Phó Trưởng Công an huyện Yên Lạc cho biết, Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, bao quát, không chỉ đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số.
Thẻ căn cước mới có nhiều ưu việt, tính bảo mật cao, được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.
Trung tá Nguyễn Thọ Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Yên Lạc cho biết, trong ngày 1/7, Công an huyện đã thu nhận 47 hồ sơ cho công dân từ các lứa tuổi, trong đó có 2 trẻ dưới 6 tuổi, 1 trẻ dưới 14 tuổi, còn lại là trên 14 tuổi.
Cùng với đó, Công an huyện Yên Lạc đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống phần mềm, bảo đảm việc thu nhận, cấp căn cước mới cho công dân. Việc cấp căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ được thực hiện hoàn toàn trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Trung tá Sơn nêu rõ, lý do đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Đồng thời, chỉ ra lợi ích của việc bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) về dân cư, CSDL căn cước.
Việc đổi tên thành thẻ căn cước là để phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhân dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới hiện nay (Identity Card - Thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân).
Bên cạnh đó, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây.
Thẻ căn cước cấp từ ngày 1/7 gồm 2 loại dành cho đối tượng từ 0 tới 6 tuổi và trên 6 tuổi với một số khác biệt.
Cụ thể, mặt trước thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi sẽ có các thông tin như: Biểu tượng chip điện tử; số định danh cá nhân/personal identification number; họ, chữ đệm và tên khai sinh/full name; ngày, tháng, năm sinh/date of birth; giới tính/sex; quốc tịch/nationality...
Mặt trước thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên gồm các thông tin: Biểu tượng chip điện tử; ảnh khuôn mặt của người được cấp thẻ căn cước; số định danh cá nhân/Personal identification number; họ, chữ đệm và tên khai sinh/full name; ngày, tháng, năm sinh/date of birth; giới tính/sex; quốc tịch/nationality.
Mặt sau thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi và thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên sẽ có thông tin về nơi cư trú/place of residence; nơi đăng ký khai sinh/place of birth; chip điện tử; mã QR; ngày, tháng, năm cấp/date of issue; ngày, tháng, năm hết hạn/date of expiry...
Những điểm mới của Luật Căn cước: Chính thức đổi tên Căn cước công dân sang thẻ Căn cước; Khai tử Chứng minh nhân dân từ ngày 1/1/2025; Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin trong thẻ Căn cước; Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; Bổ sung giấy tờ: Giấy chứng nhận căn cước cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi từ 1/7/2024; Từ ngày 1/7/2024, công dân sẽ có Căn cước điện tử; Bỏ quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ Căn cước; Thủ tục cấp thẻ Căn cước: Phải lấy sinh trắc học mống mắt đối với các trường hợp công dân trên 6 tuổi; Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.