Lùm xùm mang quốc tịch Síp, doanh nhân Phạm Phú Quốc là ai?

Là Tổng giám đốc công ty 100% vốn Nhà nước, đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhưng ông Phạm Phú Quốc đang dính nghi vấn mang 2 quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Síp (Cyprus).
Giới siêu giàu đổ xô mua thêm quốc tịch trong dịch COVID-19

Mấy ngày vừa qua, báo chí trong nước dẫn thông tin từ hãng thông tấn nước ngoài thông tin về việc ông Phạm Phú Quốc - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC - doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) dính nghi vấn mang 2 quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Síp.

Theo đó, hãng thông tấn Al-Jazeera của Qatar đã đưa thông tin cho biết, chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD (khoảng 58 tỷ đồng) sở hữu hộ chiếu nước này.

Với việc mang quốc tịch Síp, người đó trở thành công dân của Liên minh châu Âu (EU), được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần cấp thị thực.

Đáng chú ý, theo Al Jazeera, hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua “hộ chiếu vàng” (golden passport) này từ cuối 2017 đến cuối 2019 (thời điểm Al Jazeera thu thập được hồ sơ), trong đó có đại biểu Quốc hội thuộc đoàn TP HCM Phạm Phú Quốc.

0736 pham phu quoc 4077 1598398858
Đại biểu Phạm Phú Quốc. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Liên quan đến việc này, trả lời trên báo Tuổi trẻ TP HCM chiều 25/8, ông Quốc thừa nhận có quốc tịch Síp vào năm 2018 do “gia đình bảo lãnh”, đồng thời phủ nhận thông tin mua hộ chiếu 2,5 triệu USD. Ông Quốc cũng cho biết đang tiến hành các thủ tục để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Theo tìm hiểu, ông Phạm Phú Quốc sinh năm 1968, quê quán tại xã Triệu Phong, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị, cư trú tại TP HCM. Ông Quốc có học vị Tiến sỹ kinh tế, là doanh nhân có nhiều năm công tác tại các tổng công ty Nhà nước và hiện đang là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016 – 2021, thuộc Đoàn đại biểu quốc hội TP HCM.

Năm 1998, ông Phạm Phú Quốc bắt đầu công tác tại Tổng Công ty Bến Thành với vị trí Trưởng phòng điều hành tour của Công ty Thương mại dịch vụ Du lịch Tân Định Fiditourist. Sau đó, ông Quốc lần lượt trải qua nhiều vị trí quản lý khác trong tổng công ty. Đến tháng 2/2014, ông Quốc được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tổng Công ty Bến Thành và nắm giữ cương vị này tới tháng 9/2015.

Trong khoảng thời gian gắn bó với Tổng Công ty Bến Thành, ông Quốc còn làm Chủ tịch HĐQT tại Công ty Cổ phần TMDV Bến Thành (TSC), Công ty TNHH LD KS Plaza, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội, Thành viên Hội đồng quản trị tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Sau khi rời Tổng Công ty Bến Thành, tháng 9/2015, ông Phạm Phú Quốc được UBND TP HCM bổ nhiệm giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC).

Tới ngày 18/1/2018, ông Phạm Phú Quốc được UBND TP HCM điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM thời hạn 5 năm. Sau đó, đến 12/2019, UBND TP HCM tiếp tục điều động ông Quốc về làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) với thời hạn giữ chức vụ là 5 năm. Ông Quốc về thay Tề Trí Dũng, người đã bị bắt với hành vi tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trước đó, hồi tháng 5/2016, ông Phạm Phú Quốc đã trúng cử đại biểu quốc hội Việt Nam (lần đầu) khóa XIV nhiệm kì 2016-2021 ở đơn vị bầu cử số 4 TP HCM với tỷ lệ 53,94%, khi ông Quốc đang là Tổng Giám đốc HFIC.

Được biết, theo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua vào tháng 6/2020, đại biểu Quốc hội Việt Nam chỉ được phép có 1 quốc tịch. Luật này đến 1/1/2021 mới có hiệu lực.

Văn Huy
Phiên bản di động