Lùm xùm gửi tiết kiệm "tráo" thành bảo hiểm, TPBank còn nỗi lo nợ nguy cơ mất vốn tăng vọt

Ngoài dính lùm xùm vụ gửi tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) còn đang phải đối mặt với nỗi lo nợ có khả năng mất vốn tăng 70%, ở mức hơn 500 tỷ đồng.
TPBank: Nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến, ráo riết huy động trái phiếu TPBank tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, không công bố nợ xấu Hàng loạt chủ tài khoản TPBank bức xúc vì không thể chuyển khoản, rút tiền

Chuyển đơn tố cáo đến Bộ Công an vụ gửi tiết kiệm nhưng “mua nhầm” bảo hiểm

Thời gian qua, lùm xùm vụ khách hàng gửi tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã gây xôn xao dư luận.

Theo đó, một khách hàng ở Hà Nội phản ánh nhân viên TPBank - đại lý của một công ty bảo hiểm nhân thọ có hành vi tư vấn sai lệch nhằm ký kết hợp đồng bảo hiểm, gây thiệt hại cho khách hàng.

Khách hàng này phản ánh được nhân viên của TPBank gửi tin nhắn thông báo giới thiệu bên ngân hàng có chương trình "tiết kiệm lãi suất tốt", tuy nhiên sau đó mới biết đây hoàn toàn là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Đáng chú ý, theo khách hàng này, quá trình ký hợp đồng không được nhân viên ngân hàng thông tin đây là bảo hiểm nhân thọ; Không được tư vấn nếu năm 2 không đóng tiếp sẽ bị mất toàn bộ số tiền của năm trước…

Sau đó, vị khách hàng đã có đơn gửi Bộ Tài chính để tố cáo sự việc trên. Sau khi nhận được đơn của công dân, Bộ Tài chính đã có phiếu chuyển đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (CO3) để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với báo chí, đại diện TPBank cho biết, phía ngân hàng đã cùng đối tác đã phối hợp rà soát lại toàn bộ và thực hiện phản hồi ý kiến của khách hàng.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội và cơ quan báo chí thông tin về việc một số nhân viên ngân hàng gian dối khi tư vấn, dụ dỗ người gửi tiền chuyển qua mua bảo hiểm… đã có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật khi biến tiền gửi của khách thành khoản đầu tư sản phẩm bảo hiểm.

Lùm xùm gửi tiết kiệm
Trụ sở TPBank.

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời đảm bảo việc tổ chức tín dụng tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo các tổ chức tín dụng về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật tại Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản có liên quan; Cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm… đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã yêu cầu Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.

Nỗi lo nợ có khả năng mất vốn tăng vọt

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của TPBank, năm vừa qua, ngân hàng ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 15.617 tỷ đồng, tăng 16% so với mức thực hiện năm 2021. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 14%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 75% và từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 10%, lần lượt đạt 11.387 tỷ đồng, 1.542 tỷ đồng và 373 tỷ đồng.

Đồng thời, các nguồn thu phi tín dụng cũng tăng trưởng mạnh. Hoạt động dịch vụ tăng trưởng đến 75%, thu được gần 2.692 tỷ đồng tiền lãi nhờ tăng thu từ hoạt động thanh toán (1.829 tỷ đồng) và thu phí dịch vụ khác (884 tỷ đồng). Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác gấp 2,9 lần năm trước, đạt hơn 702 tỷ đồng, nhờ thu từ các khoản nợ đã được xử lý xóa, bù đắp bằng nguồn rủi ro hơn 622 tỷ đồng và thu từ hoạt động kinh doanh khác 702 tỷ đồng.

Lùm xùm gửi tiết kiệm
TPBank liên tục mua lại trái phiếu trước hạn.

Trong năm 2022, TPBank trích gần 1.844 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 37%. Do đó, ngân hàng thu về hơn 7.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so với năm trước. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch 8.200 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm, nhà băng chỉ mới thực hiện được 95% mục tiêu.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản ngân hàng tăng 12% so với đầu năm, lên mức hơn 328.634 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 33%, còn 11.988 tỷ đồng; cho vay tổ chức tín dụng khác tăng 27% lên 16.478 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 14% lên mức 160.992 tỷ đồng…

Về phần nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng đến 40% so với đầu năm, ghi nhận 194.959 tỷ đồng. Trong khi đó, phát hành giấy tờ có giá lại giảm 42%, còn 20.429 tỷ đồng, giảm tất cả các kỳ hạn.

Đáng nói, chất lượng nợ vay của TPBank đi lùi khi tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2022 tăng 17% so với đầu năm, chiếm 1.357 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, tăng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất là nợ có khả năng mất vốn, ở mức 505 tỷ đồng, tương ứng tăng 70% so với đầu năm; nợ nghi ngờ cũng tăng 34% lên mức 467 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,82% đầu năm lên 0,84%.

Tính đến cuối năm 2022, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại TPBank ghi nhận hơn 35.415 tỷ đồng. Trong đó, bảo lãnh vay vốn là 455 tỷ đồng, cam kết trong nghiệp vụ L/C (tín dụng thư) là 2.738 tỷ đồng và bảo lãnh khác lên mức 32.222 tỷ đồng.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, TPBank hiện cũng đang là một trong số các nhà băng đầu tư trái phiếu riêng lẻ có số lượng rất lớn. Thống kê cho thấy, từ tháng 5/2021 đến nay, ngân hàng đã thực hiện 29 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, với các gói từ 150 tỷ đồng đến 1.500 tỷ đồng, tổng giá trị lên tới trên 20.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, từ tháng 5/2022, TPBank có khoảng 9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị lên tới hơn 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong các văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) do ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank ký đều công bố thông tin khá sơ sài, không có thông tin đơn vị tư vấn, mục đích phát hành.

Ở chiều ngược lại, sau khi Nhà nước quản lý chặt và xử lý nghiêm các vi phạm hoạt động mua bán trái phiếu trên thị trường chung, TPBank cũng đã đẩy mạnh việc mua lại trái phiếu. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, ngân hàng này đã công bố gần 40 đợt mua lại trái phiếu trước hạn.

Được biết, TPBank là một trong số các ngân hàng nằm trong diện thanh tra của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Trong văn bản trả lời cử tri mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 tổ chức tín dụng.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm.

Theo Thống đốc, kết quả thanh tra và các biện pháp xử lý liên quan, góp phần phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động (nếu có), đảm bảo việc chấp hành các quy định pháp luật trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp để kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động