Luật Thủ đô 2024 góp phần nâng tầm toàn diện chất lượng giáo dục
Gia tăng thứ hạng các cơ sở giáo dục Việt Nam trong khu vực và thế giới |
Thủ đô Hà Nội có nguồn nhân lực có chất lượng cao, là trung tâm hội tụ nhân tài của cả nước; nơi tập trung đông đảo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu của đất nước, với hệ thống các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học lớn nhất nước.
Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu, các cơ sở văn hóa - nghệ thuật và đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 80% số trường đại học, viện nghiên cứu của cả nước; 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội…
Hà Nội được hưởng các chính sách ưu đãi đặc thù nổi trội, cho phép tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ phát triển toàn diện. Đây cũng là cơ hội riêng có do vị thế Thủ đô đem lại, rất thuận lợi cho sự phát triển.
Hà Nội được hưởng các chính sách ưu đãi đặc thù nổi trội, cho phép tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ phát triển toàn diện về giáo dục |
Tuy nhiên hiện nay, yêu cầu phát triển Thủ đô rất cao: Thủ đô phải thành một thành phố kết nối toàn cầu, thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", đòi hỏi phải có nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức, để vừa phát huy được các yếu tố truyền thống, lại vừa hội nhập được với thế giới hiện đại đã rất phát triển.
Mức độ cạnh tranh thu hút các nguồn lực, nhất là cạnh tranh thu hút nhân tài, để phát triển ngày càng gay gắt, đặc biệt là trong những lĩnh vực công nghệ cao, có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của nền kinh tế...
Bên cạnh hệ thống giáo dục bậc phổ thông rất phát triển, Hà Nội là nơi có độ tập trung rất cao số lượng các trường đào tạo nhân lực (các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề); góp phần rất quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, hệ thống giáo dục đào tạo trên địa bàn Thủ đô Hà Nội còn tồn tại hai vấn đề lớn cần được khắc phục như hạ tầng giáo dục phổ thông còn chưa phát triển kịp theo sự gia tăng dân số, dẫn đến hiện tượng thiếu trường, lớp; các trường đại học tập trung ở khu vực nội đô gây quá tải về hạ tầng; giáo dục nghề nghiệp tăng về quy mô nhưng chất lượng chưa cao…
Như vậy, định hướng không gian phát triển giáo dục đào tạo trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cần giải quyết đồng thời hai việc. Đầu tiên là tăng cường xây dựng các trường, lớp học phổ thông ở những nơi còn thiếu (so với chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo), bao gồm mở rộng, nâng cấp và xây mới hơn 80 trường trung học phổ thông, trong đó xây dựng mới ít nhất 50 trường trung học phổ thông trên toàn thành phố; xây dựng thêm các trường phổ thông liên cấp chất lượng cao tại những nơi có điều kiện và nhu cầu.
Tiếp theo đó, theo Luật Thủ đô 2024, trong khu vực nội đô lịch sử, sẽ không mở rộng diện tích đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; không được đặt địa điểm đào tạo mới trong khu vực nội đô lịch sử.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời. Việc di dời các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đặt ra từ lâu, nhưng việc thực hiện rất chậm chạp.
Trong Quy hoạch lần này, Hà Nội sẽ tiến hành di chuyển và xây dựng cơ sở 2 của nhiều trường đại học ở nội đô sang khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai và Sơn Tây. Đồng thời, tại vùng đô thị này sẽ xây dựng một số trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, đạt chuẩn nghề quốc tế.
Luật Thủ đô mới với nhiều cơ chế đặc thù là tiền đề để Hà Nội nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng Hà Nội thực sự đầu tàu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao. |
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Thủ đô 2024 quy định: "Đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh; bảo đảm bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi; không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí".
Điều 18 Luật Thủ đô cũng quy định rõ, biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, trong đó, UBND thành phố có trách nhiệm bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch để cơ quan, đơn vị, cơ sở thuộc danh mục phải thực hiện di dời xây dựng cơ sở, trụ sở mới nếu có nhu cầu. Quỹ đất sau khi thực hiện việc di dời được bàn giao cho UBND thành phố quản lý, sử dụng để xây dựng không gian công cộng, tăng tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch, không bố trí chức năng ở, lưu trú.
Đồng thời, Luật Thủ đô cũng trao quyền chủ động cho thành phố Hà Nội chủ động hơn trong cơ chế tài chính, hỗ trợ học phí cho người học trên địa bàn thành phố không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục cũng như nhiều lĩnh vực khác để bảo đảm "Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế".
Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội về phát triển giáo dục và đào tạo, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nhân lực chất lượng cao.
Theo các chuyên gia, các chính sách của Luật Thủ đô sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, là cơ sở để các trường đa dạng hóa các loại hình giáo dục; mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.
Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các trường thu hút được nhân tài, phát triển sản phẩm khoa học, công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; từ đó góp phần xây dựng Thủ đô là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước. Các trường đại học, cao đẳng ở Thủ đô xác định tâm thế chủ động, tích cực nắm bắt cơ hội, tận dụng các cơ chế đặc thù và vượt trội của Luật Thủ đô để tạo ra bước phát triển đột phá, góp phần phát triển mạnh mẽ giáo dục, kinh tế và nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.