Lặng yên trước ngôi chùa cổ nghìn năm vắng bóng tăng ni
Ngôi chùa có cảnh đẹp “không thể tin” trên thế giới Hà Nam: Độc đáo hội chợ quê tại ngôi chùa cổ nghìn năm tuổi |
Lịch sử chùa Chành
Con đường vào chùa với thiết kế cổng làng có tuổi đời hàng trăm năm |
Địa Linh cổ tự nằm ẩn mình trong vùng đất làng Chành với lịch sử lâu đời hơn 2.000 năm tuổi. Ngày trước, các cụ cao niên thường kể lại, đất làng Chành là một đầm lầy rộng lớn được bồi tụ lâu năm thành khu đất cao. Điều đặc biệt là sự xuất hiện của một gò đất cao hình con công đang xòe đuôi múa, cây cối tốt tươi xum xuê. Vào thế kỷ X, người dân trong vùng đã chọn gò đất vượng khí ấy để lập am thờ tự, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Cổng chùa được đại trùng tu vào năm 2012 nay đã rất uy nghiêm, khang trang |
Chùa Chành được biết đến là một trong những ngôi chùa theo đạo Phật Trúc Lâm sớm nhất, cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam tại vùng đất Thái Bình cùng với chùa Keo, chùa Phúc Thắng (Vũ Thư) và chùa La Vân (Quỳnh Phụ). Vào thế kỷ 13, Thái Trưởng Công chúa Thiên Thụy - Con gái của Vua Trần Thánh Tông và là chị gái của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông - đã về nơi đây sung công, quyên góp tiền để cải tạo am, xây nên một ngôi chùa khang trang hơn. Sau này, Đại tổ Pháp Loa - Đệ Nhị Tổ Sư của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập - đã đích thân về chùa Chành, thuyết pháp, giảng kinh phổ độ đến hàng nghìn Phật tử, phát triển Phật giáo theo bản sắc đặc trưng riêng của người Việt.
Mặt tiền Địa Linh cổ tự |
Chùa Chành thờ các chư vị Phật, các chư vị Bồ Tát theo tín ngưỡng Phật giáo phổ biến của người Việt Nam. Giống như nhiều ngôi chùa khác theo truyền thống "tiền Phật, hậu Thánh", chùa còn phối thờ Thánh Mẫu và hội đồng Trần triều - Đông A Phủ. Ngoài ra, chùa Chành còn thờ Đức Tướng quân Trần Lãm - người từng quản cai vùng Kỳ Bố hải khẩu khi xưa - để tưởng nhớ công lao và tri ân tấm lòng luôn tận tụy vì nước, vì dân của vị tướng đại tài.
Đặc biệt, chùa Chành còn được nhiều người biết đến bởi đã từ lâu, chùa không có hoặc rất hiếm có vị tăng, ni nào về đây tu hành. Dù chẳng có bóng áo cà sa và những lời kinh rì rầm vang vọng, ngôi chùa luôn giữ được vẻ uy nghiêm. Người dân và các Phật tử làng Giành và một vài làng lân cận chẳng ai bảo ai, mỗi người một chút công sức thay phiên nhau vào ra hương khói, quét dọn. Cứ như thế, trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm, đến nay Địa Linh cổ tự đã có một vị Tỷ Khiêu Ni trụ trì, coi sóc công việc tại chùa. Cùng theo hỗ trợ có nhiều Phật tử và các bạn trẻ là con em Phật tử trong vùng đồng lòng tới dọn vệ sinh thường xuyên và thay dầu, thắp nhang kính Phật, Thánh hàng ngày.
Tôn tượng cổ của các chư Phật và các vị Thập bát Long Thần vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và đã được các nhà hảo tâm chung tay tôn tạo, phục hồi cho các tôn tượng đẹp như mới. |
Những năm kháng chiến chống Pháp, chùa trở thành cơ sở chính của phong trào Văn thân chống Pháp của Phủ Kiến Xương và hàng nghìn sỹ phu yêu nước trong vùng. Năm 1954, Địa Linh cổ tự trở thành nơi hội họp, học tập "chữ mới", văn hóa mới dành cho nhân dân làng Chành nói riêng và xã Tân Bình nói chung.
Năm 1994, UBND tỉnh Thái Bình đã công nhận chùa Chành là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đến năm 2012, nhờ vào sự quan tâm và đóng góp của chính quyền địa phương, Ban Quản lý và Ban Bảo vệ di tích, cùng với sự hỗ trợ từ các tấm lòng hảo tâm như Đại đức Thích Thanh Hùng - trụ trì chùa Trừng Mại và sự chung tay của cộng đồng dân cư và du khách, chùa đã được nâng cấp và tu bổ toàn diện và đã hoàn thành vào tháng 11 cùng năm. Chùa Chành dần trở thành một điểm đến tôn giáo và du lịch quý báu không chỉ đối với tín đồ Phật tử tỉnh Thái Bình mà còn đối với du khách đến từ khắp mọi nơi.
Các tôn tượng cổ của các vị Phật, Thánh được bảo tồn nguyên vẹn |
Ban thờ Đức Tướng quân Trần Lãm. Người dân Thái Bình luôn kính trọng và gọi Ngài với danh xưng "Quan Bố". Theo giải thích của các cụ lão niên, "Quan Bố" vừa có nghĩa gọi Tướng quân Trần Lãm là cha, vừa là địa vị của Ngài khi xưa đã cai quản một vùng Kỳ Bố hải khẩu rộng lớn. |
Ngày nay, trong khuôn viên rộng hơn 10.000 m2, chùa Chành đã khang trang, thoáng đãng hơn. Tuy không còn vẻ cổ kính rêu phong của thời đại cũ, nhưng chùa vẫn lưu giữ được đủ tượng Phật, và cũng là một trong 2 chùa ở Thái Bình còn bảo vệ được trọn vẹn tượng của 18 vị Long thần. Tuy ngôi chùa đã trải qua nhiều biến cố, bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự phong hóa của thiên nhiên và chiến tranh của 2000 năm lịch sử. Nhưng Địa Linh cổ tự vẫn giữ được vẹn nguyên sự giản dị, thanh thuần "tốt Đời, đẹp Đạo" và hồn cốt dân tộc của dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cho đến tận ngày nay chưa phai mờ.
Thanh khiết một vùng địa linh
Trong khuôn viên chùa Chành, cây cối mọc um tùm, tạo nên một không gian xanh mát và yên bình. Trong số đó, có 5 cây cổ thụ được Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam công nhận là di tích lịch sử văn hóa vào năm 2015, bao gồm một cây đại hơn 800 năm tuổi, hai cây thị trên 500 năm tuổi, cây nhãn trên 400 năm tuổi và cây gạo trên 300 năm tuổi. Ngoài ra, còn nhiều cây khác có tuổi đời hàng trăm năm, luôn xanh tốt quanh năm.
Hàng cây trăm năm vẫn rì rào theo từng cơn gió, soi bóng xuống mặt hồ thì thầm kể lại những chuyện xưa, tích cũ |
Chùa Chành mang đến cho Phật tử và du khách thập phương một trải nghiệm kỳ lạ hiếm nơi có được. Có người nói rằng, ngay từ khoảnh khắc đi trên con đường tiến vào cổng chùa, một cảm giác bình yên, tĩnh lặng chợt ùa về như dòng suối mát lành, rửa trôi những muộn phiền, ưu tư của bao thiện nam tín nữ.
Người ta truyền miệng nhau, khi đến cửa chùa Chành, tự nhiên con người ta "nói nhỏ lại", "đi khẽ hơn", từng hành động, phong thái con người đều được tiết chế đến nhẹ như tơ. Không gian Địa Linh cổ tự trải qua hàng nghìn năm đã thấm đẫm linh khí của đất trời và cả thánh khí từ bi, hiền hòa của các chư vị Phật, Thánh linh thiêng. Có lẽ bởi thế, du khách thập phương đến với cửa chùa đều chẳng muốn to tiếng, xôn xao. Họ trân trọng không gian du dương, tĩnh lặng hiếm có của chốn thiền môn cổ tự mà sợ rằng sự bỗ bã, vô tư hàng ngày sẽ vô tình phá vỡ thanh âm ngân nga, yên ả của chốn thiêng liêng.
Nhiều người rỉ tai nhau rằng, đến chùa Chành chỉ vừa mới đi trên con đường vào chùa này thôi, họ đã cảm thấy như được gột rửa, thanh lọc rất an nhiên. |
Tỷ Khiêu Ni Thích Đàm Mùi - vị trụ trì hiện tại của Địa Linh cổ tự - cho biết, các Phật tử và du khách thập phương biết đến chùa Chành không chỉ bởi lịch sử lâu đời mà còn là sự linh thiêng đến rợn người của ngôi chùa cổ. Tương truyền, quẻ chùa Chành nổi tiếng linh ứng bậc nhất tại đất Kẻ Chợ - Thái Bình. Mỗi dịp đầu xuân năm mới, hàng nghìn người lại rủ nhau lặng lẽ lũ lượt về chùa, thành tâm sám hối, mong cầu xin lời chỉ dẫn linh thiêng từ các đấng bề trên.
Một góc bên trong gian chính chùa Chành |
Tỷ Khiêu Ni Thích Đàm Mùi nói: "Dịp Tết, đặc biệt là vào các ngày mùng 1, mùng 2... chùa Chành đón rất nhiều lượt khách viếng thăm đến từ cả trong và ngoài tỉnh. Có những vị khách từ phương xa như Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh,... cũng tìm về đây chiêm bái Phật, Thánh và xin quẻ đầu năm lấy may. Đa số mọi người đều cảm thán quẻ nơi đây rất linh thiêng, từng câu thơ trong quẻ đều ứng nghiệm theo từng vấn đề trong năm. Bởi vậy chùa Chành bao năm nay không ồn ào, không tấp nập người vào kẻ ra nhưng luôn có hàng trăm, hàng nghìn tấm lòng thành kính luôn tìm về với cửa Phật, cửa Thánh mỗi khi đến kỳ "long vân khánh hội"".
Tỷ Khiêu Ni Thích Đàm Mùi hỗ trợ mẹ con chị Vũ Nguyệt Ánh xin quẻ thẻ đầu năm |
Sự linh thiêng của ngôi chùa cổ vừa khiến vô số Phật tử, du khách thập phương thêm thành kính và cũng là kính sợ khi tới đây. Nhiều người bảo nhau rằng: "Ai hễ gây lỗi, gây tội đáng trách mà về đến cửa chùa Chành, thì cảm giác vô cùng nặng nề, khó chịu. Nhưng ai sống thiện lương, thành tâm hướng Phật thì luôn cảm thấy yên bình, thanh tịnh khi về chiêm bái tại đây".
Ban thờ Đức Thánh Mẫu theo tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ của người Việt xưa vẫn luôn nhang khói nghi ngút bởi sự linh thiêng của những quẻ thẻ đầu năm dành cho mỗi Phật tử, du khách thành tâm về chiêm bái, vọng cầu. |
Chị Vũ Nguyệt Ánh (Thái Bình) đã đưa con gái cùng về chiêm bái tại Địa Linh cổ tự gần như hàng năm. Chị cho biết: "Từ bé, bố mẹ luôn đưa hai chị em tôi về với chùa Chành mỗi dịp đầu xuân năm mới. Lâu dần, điều này đã trở thành truyền thống không thể thiếu của gia đình tôi. Giờ đây, khi đã lập gia đình và có con, tôi vẫn duy trì nếp nhà khi trước, về bái Phật tại nơi đây mang đến cho tôi cảm giác an tâm, hài hòa rất dễ chịu, đặc biệt ý nghĩa bởi đó là những chuyến đi cầu may đón xuân sang".
Tuy ngày thường chùa Chành chỉ trở nên đông vui hơn chút đỉnh vào những ngày Rằm, mồng Một đầu tháng Âm lịch, nhưng cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, chùa Chành là điểm đến văn hóa - tâm linh không thể thiếu trên hành trình du Xuân của hàng nghìn gia đình trên nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ nhằm mong cầu bình an, thịnh vượng cho năm mới.
Cây đại lâu năm sừng sững trong sân chùa |
Mỗi năm, lễ hội truyền thống tại chùa Chành thu hút hàng trăm lượt tín đồ phật tử và du khách. Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 1/3 đến ngày 3/3 Âm lịch hàng năm. Trong khoảng thời gian này, các hoạt động truyền thống như rước kiệu, múa lân, cùng với các chương trình tế lễ và văn nghệ đặc sắc luôn mang lại không khí tôn nghiêm và phấn khích cho người tham dự.