Làng cổ Đường Lâm và khu lăng mộ Phùng Hưng, Ngô Quyền bị “mất kết nối”

Thời gian gần đây, du khách đến với làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) bất ngờ khi tuyến đường đến thăm quan khu tâm linh thờ hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền không thể di chuyển bằng xe ô tô. Người dân đi lại cũng khó khăn do cầu Cam Lâm hiện tại chỉ cho phép xe máy và phương tiện thô sơ lưu thông.
Du khách quốc tế hóa thân làm nông dân tại làng cổ Đường Lâm

Ngắt quãng giao thông, làm khó du lịch

Sáng 16/11, gia đình anh Kiều Mạnh Thắng (Phủ Lý, Hà Nam) đến tham quan làng cổ Đường Lâm. Trong kế hoạch của gia đình anh Thắng, họ dự định trải nghiệm không gian làng quê Bắc Bộ ở Đường Lâm, sau đó di chuyển đến khu di tích thờ hai vị danh hùng dân tộc Phùng Hưng và Ngô Quyền (tọa lạc tại thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm).
“Tôi muốn đưa các con tới thắp hương cho hai vị vua nổi danh, để giáo dục cho các cháu về lòng yêu nước, tự hào dân tộc”, anh Thắng chia sẻ.

Cầu Cam Lâm nằm trên con đường huyết mạch kết nối làng cổ Đường Lâm với lăng Phùng Hưng, Ngô Quyền
Cầu Cam Lâm nằm trên con đường huyết mạch kết nối làng cổ Đường Lâm với lăng Phùng Hưng, Ngô Quyền

Nửa đầu kế hoạch của gia đình anh Thắng diễn ra thuận lợi, những nếp nhà cổ xây dựng bằng đá ong được bảo tồn nguyên vẹn, cùng với sự hiếu khách của người dân Đường Lâm đã mang đến cho họ trải nghiệm ý nghĩa. Song, vấn đề lại phát sinh khi họ di chuyển đến khu thờ cúng hai vị vua.

Mấy tháng nay, cầu Cam Lâm hạn chế phương tiện qua lại
Mấy tháng nay, cầu Cam Lâm hạn chế phương tiện qua lại

“Cầu Cam Lâm trên tuyến đường độc đạo kết nối làng Đường Lâm với thôn Cam Lâm, nơi đặt lăng hai vị Phùng Hưng, Ngô Quyền. Tuy nhiên, hiện tại, cầu này không cho ô tô đi qua”, anh Thắng rầu rĩ cho biết. Để đến lăng hai vị danh nhân bằng ô tô, gia đình anh Thắng được hướng dẫn đi vòng đường khác, quãng đường thêm khoảng 3km, nhưng rất gập ghềnh, khó đi. Nghe đến đó, anh Thắng đành chấp nhận thay đổi hành trình, đứng xa vái vọng hai vị anh hùng dân tộc, và di chuyển đến nơi khác.

Du khách không thể di chuyển bằng ô tô qua cầu Cam Lâm
Du khách không thể di chuyển bằng ô tô qua cầu Cam Lâm

Tương tự như vậy, theo ghi nhận của phóng viên, sáng 16/11, không ít du khách cũng lựa chọn quay đầu xe do cầu Cam Lâm hạn chế phương tiện.

“Việc này ảnh hưởng đến doanh thu của ngành du lịch địa phương, đồng thời, cũng là thiệt thòi cho du khách đến với Sơn Tây”, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Phạm Thị Lệ Thủy than thở.

Làng cổ Đường Lâm và khu lăng mộ Phùng Hưng, Ngô Quyền bị “mất kết nối”
Người dân địa phương "rón rén" qua cầu

Không chỉ làm khó cho ngành du lịch, cầu Cam Lâm hạn chế phương tiện từ vài tháng nay cũng gây nhiều phiền phức cho việc đi lại, giao thông của người dân địa phương. Hàng ngày, người dân thôn Cam Lâm bắt buộc phải đi qua cầu Cam Lâm để mua bán tại chợ Mía, hoặc đưa học sinh tới trường Tiểu học, THCS Đường Lâm.

“Cây cầu bây giờ chỉ có một làn xe, hai xe máy không tránh được nhau. Vì thế, đi lại cực kỳ phức tạp. Thôn Cam Lâm với mấy trăm nóc nhà bị cô lập như là ốc đảo”, bà Hạnh, người dân thôn Cam Lâm, bày tỏ sự bức xúc.

Cử tri kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Cam Lâm

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc hạn chế phương tiện qua cầu Cam Lâm bắt đầu từ sau bão YAGI. Thời điểm đó, lũ trên sông Tích dâng cao, vượt báo động 3, cầu Cam Lâm chìm nghỉm trong nước. Các mố cầu cũ kỹ lắc lư như sắp đổ sụp trong dòng nước chảy siết.

Xử lý gia cố cầu Cam Lâm thời điểm lũ sông Tích dâng cao. Ảnh: Người dân cung cấp.
Xử lý gia cố cầu Cam Lâm thời điểm lũ sông Tích dâng cao. Ảnh: Người dân cung cấp.

“Buổi sáng 9/9, chúng tôi nghe tin sập cầu Phong Châu (Phú Thọ). Lãnh đạo xã ngay lập tức họp và quyết định hạn chế phương tiện lưu thông qua cầu Cam Lâm để tránh những hậu quả đáng tiếc”, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Phạm Thị Lệ Thủy cho hay.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng khiến việc di chuyển qua cầu Cam Lâm khó khăn là tiến độ xây dựng cầu mới, nằm trong dự án cải tạo sông Tích, được phản ánh là quá chậm, gây bức xúc trong dư luận.

Làng cổ Đường Lâm và khu lăng mộ Phùng Hưng, Ngô Quyền bị “mất kết nối”
Việc đi lại của người dân tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Tại Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thị xã Sơn Tây với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và đại diện Nhân dân năm 2024, ông Kiều Mạnh Cường - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Cam Lâm đặt vấn đề: “Công trình cải tạo sông Tích hiện nay triển khai đi qua địa phận xã Đường Lâm đang được tiến hành. Gói thầu xây dựng cầu Cam Lâm đang được thi công từ đầu năm 2024 đến nay làm quá chậm, đã làm ảnh hưởng giao thông đi lại của Nhân dân thôn Cam Lâm và khách thăm quan Làng cổ. Đề nghị các đồng chí lãnh đạo Thị xã chỉ đạo nhà thầu cho thi công khẩn chương để Nhân dân đi lại được thuận tiện, đảm bảo tiến độ dự án và đời sống của Nhân dân”.

Công trường thi công cầu Cam Lâm khá im ắng
Công trường thi công cầu Cam Lâm khá im ắng

Về vấn đề này, Chủ tịch UNBD thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ chia sẻ với người dân rằng, hiện nay, tại vị trí cầu Cam Lâm bắc qua sông Tích được xây dựng cầu mới thay thế cầu Cam Lâm cũ đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện.
Để đảm bảo đúng tiến độ xây dựng cầu mới và sớm đưa vào sử dụng phục vụ Nhân dân, UBND Thị xã đã ban hành Công văn số 2594/UBND-QLĐT ngày 04/10/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Cam Lâm thuộc xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội; Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công cầu để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ Nhân dân.

Vũ Cường
Phiên bản di động