Làm rõ vì sao Chính phủ có nhiều chỉ đạo nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng thấp
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 Bộ Xây dựng: Có 100 dự án được cấp phép xây dựng trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng |
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phân tích, đánh giá cụ thể tình hình và kết quả điều hành tín dụng trong 7 tháng năm 2023, làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của việc tăng trưởng tín dụng ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2022 và các năm trước trong khi Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều cuộc họp, hội nghị và nhiều văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá tổng thể, toàn diện, chi tiết việc cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng, bao gồm cả việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng nước ngoài; cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực kinh tế; cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để có cơ sở so sánh, làm rõ thêm các căn cứ xác định nhu cầu vốn của nền kinh tế, xác định các nguyên nhân khách quan, chủ quan tăng trưởng tín dụng tăng thấp, trong đó lưu ý các nguyên nhân liên quan đến lãi suất cho vay, điều kiện tiếp cận vốn tín dụng, thủ tục vay vốn...
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đề xuất các giải pháp tổng thể, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, rõ ràng, trong đó phân tách thành nhóm các giải pháp liên quan đến trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước, trách nhiệm của hệ thống các tổ chức tín dụng, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan.
Cụ thể, lãnh đạo Chính phủ lưu ý giải pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; chỉ đạo các tổ chức tín dụng nỗ lực hơn nữa tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc để phục vụ tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập ngay các Tổ công tác làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để tổng hợp, xử lý tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. |
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc thực hiện chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay, việc cạnh tranh không lành mạnh trong huy động và cấp tín dụng nhất là cấp tín dụng liên quan cấp tín dụng liên quan sở hữu chéo, lợi ích nhóm doanh nghiệp, cá nhân; kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng vi phạm các quy định pháp luật.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các quy định, thủ tục liên quan đến cấp tín dụng, điều kiện vay vốn, bao gồm cả các quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Ngân hàng Nhà nước, nếu phát hiện các quy định không phù hợp thì theo thẩm quyền chủ động sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đề xuất giải pháp nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của các địa phương trong các lĩnh vực bất động sản, tài nguyên môi trường, đất đai, quy hoạch..., không để phát sinh vụ việc gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản thời gian qua.
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ sung nội dung báo cáo về tình hình tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp trên địa bàn khi làm việc, báo cáo với các đoàn công tác các thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Liên quan đến việc này, theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,73%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 9,35%.
Theo Phó Thống đốc, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, những động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng nền kinh tế tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, đã phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan chi phối.
Cụ thể, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế, trong khi kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong nước.
Do đó, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng trong nước đều giảm, dẫn đến cầu tín dụng giảm tương ứng.
Nhằm hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tục với mức giảm 0,5 - 2 điểm phần trăm, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Đến nay, mức lãi suất trung bình giảm của ngân hàng thương mại giảm 1,5 - 2 điểm phần trăm.
Theo Phó Thống đốc, đầu tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng hầu như toàn bộ các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14% cho các ngân hàng thương mại.