Kinh tế Việt Nam như cơ thể chuẩn bị hết bệnh, cần thuốc để phục hồi
Khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam “hút” thêm 6 tỷ USD vốn ngoại Nhà báo quốc tế đánh giá cao thành tựu của Việt Nam trong Đổi mới |
Chiều 4/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, các đại biểu Quốc hội khóa XV đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại tổ |
Tập trung hỗ trợ các đối tượng chịu nhiều tác động
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, việc thực hiện quyết liệt các giải pháp để phục hồi tăng trưởng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng và cần thiết phải có chính sách hỗ trợ trong lúc này.
Cho biết nhiều quốc gia đã tăng chi ngân sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chủ tịch nước cho rằng phải chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách tăng trong tầm kiểm soát. Nhận định “cầu” của nền kinh tế còn yếu, Chủ tịch nước cho rằng cần tăng tổng “cầu”, nhất là tại những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những đối tượng gặp khó khăn cần được hỗ trợ như người nghèo, công nhân.
Những hỗ trợ cho người lao động và các khu vực bị ảnh hưởng cần khẩn trương, quyết liệt, tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời cần thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, làm sao họ tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu trong quá trình thực hiện gói tài khóa, tiền tệ phát triển kinh tế phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa có mục tiêu tăng trưởng bảo đảm chất lượng, năng suất lao động với tinh thần tự cường, áp dụng những giải pháp chuyển đổi số sử dụng công nghệ với tốt hơn, mạnh hơn, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể.
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn thành phố Hà Nội) đánh giá cao việc Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết cùng với những mục tiêu và các nhóm giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn khi cho rằng mục tiêu phòng, chống dịch vẫn còn khá mơ hồ, bởi không ai dám chắc khi nào dịch COVID-19 sẽ chấm dứt hoàn toàn. “Nếu không chống dịch thành công thì hệ thống y tế bị tổn hại nghiêm trọng, tác động đến phục hồi kinh tế và an sinh xã hội. Vì thế, chống dịch vẫn phải là mục tiêu số 1 trong chương trình này. Trong đó, việc bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là quan trọng nhất”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại cho cả đất nước, vì vậy việc xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế là rất đáng làm. Nhận định dự thảo về Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ trình lần này khá bài bản, đi đúng hướng, có cơ sở, tuy nhiên đại biểu cho rằng cần có lộ trình thực hiện cụ thể. “Trong 5 gói giải pháp phải có đánh giá tác động và chia ra làm hai kỳ là phục hồi và tăng trưởng. Phục hồi khỏe rồi mới đến kỳ tăng trưởng, trong đó giai đoạn phục hồi có thể là phải 1,5-2 năm trong bối cảnh xuất hiện Omicron”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Tránh lạm dụng chính sách
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, kinh tế Việt Nam như cơ thể chuẩn bị hết bệnh cần thuốc phục hồi. “Sức khỏe doanh nghiệp, người dân kiệt quệ sau đại dịch, do đó gói phục hồi kinh nếu được ban hành sớm thì phục vụ cho quá trình khôi phục nền kinh tế”.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) đề nghị cần phải quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung một số bộ luật để tạo cơ sở pháp lý thực hiện chính sách, trong đó có các luật về thuế, kể cả thuế tiêu thụ đặc biệt, quản lý thuế và những loại thuế mà trong định hướng của Bộ Chính trị đã đề cập là Thuế về về tài sản, Thuế về bất động sản…. Đại biểu cũng cho rằng cần quan tâm đến đầu tư cho y tế, trong đó cần tăng cường năng lực hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt là tuyến y tế xã.
Còn đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, gói tài khóa, tiền tệ hỗ trợ hỗ trợ về phục hồi và phát triển nền kinh tế - xã hội phải ưu tiên cho những doanh nghiệp trong những lĩnh vực sản xuất ra những mặt hàng cũng như các giá trị sản phẩm chứ không phải là những giá trị, tài sản vô hình.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí thảo luận tại tổ |
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, chương trình cần đầu tư tập trung, có trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải và chỉ tập trung, tránh dàn trải và chỉ đầu tư cho những lĩnh vực chịu tác động của đại dịch COVID-19. Nhìn vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng vẫn tập trung cho hạ tầng đầu tư giao thông nhưng đây không phải là dự án bị đình trệ do dịch nên cần xem xét lại và cũng không phải là nội dung then chốt để phục hồi kinh tế, vì vậy cần ưu tiên cho lĩnh vực nào cần hỗ trợ.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn thành phố Hà Nội) nhấn mạnh việc Chính phủ và các bộ, ngành cam kết, làm rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, tránh lạm dụng chính sách, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi.