Khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam “hút” thêm 6 tỷ USD vốn ngoại
Chính phủ phê duyệt chủ trương dự án Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, Hà Nội |
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng thu hút được khoảng 271 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 53,2 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, lũy kế đến cuối tháng 5/2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước có khoảng 10.853 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 228,4 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 69,6%.
Đồng thời, các khu công nghiệp, khu kinh tế có khoảng 10.186 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,53 triệu tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 45,4%.
Luỹ kế đến cuối tháng 5/2021, có 38 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới/mở rộng/phân khu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, nâng số lượng các khu công nghiệp đã thành lập lên 394 khu công nghiệp (bao gồm 351 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 35 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 121,9 nghìn ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 80,9 nghìn ha, chiếm khoảng 66,4% diện tích đất tự nhiên.
Khu công nghiệp Sài Đồng B (Hà Nội). |
Trong số 394 khu công nghiệp đã được thành lập, có 286 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 86 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 57,3 nghìn ha và 108 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35,9 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 23,6 nghìn ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp đạt khoảng 42,9 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt khoảng 53%, riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71,8%. Các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 3,78 triệu lao động trực tiếp.
Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 19 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha (tính cả diện tích mặt biển), trong đó diện tích đất liền khoảng 582,3 nghìn ha (chiếm khoảng 1,75% diện tích) và 289,2 nghìn ha diện tích mặt biển.
Cụ thể, 18 khu kinh tế được thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha (kể cả diện tích mặt biển), trong đó diện tích đất liền khoảng 568,4 nghìn ha (chiếm 1,68% tổng diện tích), trong đó khoảng 99,2 nghìn ha được quy hoạch để phát triển các khu chức năng (khu phi thuế quan khoảng 8,6 nghìn ha, khu công nghiệp trong khu kinh tế khoảng 39,8 nghìn ha; khu chức năng sản xuất thương mại, du lịch, dịch vụ khoảng 53,8 nghìn ha).
Tổng cộng đã có khoảng 60,4 nghìn ha đất đã được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh. Hiện còn 1 khu kinh tế chưa được thành lập là khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định với diện tích quy hoạch 13.950 ha.
Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong khu kinh tế ven biển đạt khoảng 44,1 nghìn ha, chiếm khoảng 45% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong khu kinh tế ven biển.
Tính đến cuối tháng 5/2021, có 256/286 khu công nghiệp đang hoạt động (đạt tỷ lệ 89,5%) có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường với tổng công suất tối đa đạt trên 1,2 triệu m3nước thải/ngày đêm.