Kinh tế tăng trưởng cao và dấu ấn điều hành của Chính phủ
Kinh tế Hà Nội vượt qua thách thức, các cân đối lớn được đảm bảo Lý giải nguyên nhân giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất 12 năm |
Một năm sóng gió và những con số kỷ lục
Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; Xung đột Nga - Ukraina kéo dài; Lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; Rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu…
Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; Giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết. Trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ theo đúng tinh thần chủ đề điều hành năm 2022, đó là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".
Bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; Tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, làm việc, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, Chính phủ dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của người đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều và nặng nề hơn; Đồng thời tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh; Lãnh đạo Chính phủ thường xuyên có mặt trên công trường các dự án trọng điểm, liên tục làm việc với các địa phương để tháo gỡ điểm nghẽn, truyền cảm hứng, khơi thông động lực phát triển.
Kết quả, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, ước cả năm 2022, Việt Nam sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt khoảng 8% so với mục tiêu 6 - 6,5%, riêng GDP quý III tăng ở mức kỷ lục 13,67%, đây là mức tăng cao nhất thế giới.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi. Trong 11 tháng năm 2022, cả nước có 137,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 56,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 40,5%, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm nay lên 194,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó khẳng định niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phục hồi mạnh hơn của nền kinh tế trong thời gian tới.
Quan tâm sát sao và quyết liệt xử lý vướng mắc
Những vấn đề phát sinh thời gian qua đều đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát tình hình, quan tâm sát sao và quyết liệt xử lý. Đơn cử như việc thị trường tài chính - ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vừa qua có diễn biến thất thường, trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp khẩn và lập các tổ công tác nhằm tháo gỡ các vướng mắc và ổn định tình hình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thường xuyên xuống tận địa phương, cơ sở, hiện trường để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đưa ra các giải pháp đối với các công việc cần giải quyết |
Thực tế, những kết quả hết sức tích cực có được trong một năm 2022 đầy những khó khăn còn nhờ những thành quả kiểm soát dịch bệnh và những quyết sách chiến lược đúng hướng, bản lĩnh, sáng suốt, kịp thời thời gian qua của Đảng, Nhà nước.
Chúng ta không thể đạt mức tăng trưởng cáo như vậy nếu Chính phủ không chuyển hướng chiến lược kịp thời sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh ngay từ quý III/2021 và chúng ta cũng không có kết quả tích cực như hiện nay nếu không tự tin, mạnh dạn mở cửa trở lại nền kinh tế đúng lúc vào tháng 3/2022, ngay cả khi Hà Nội vẫn đang còn rất nhiều ca mắc COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh những quan điểm “phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, Nhân dân được thụ hưởng thành quả thật”, “suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó”, bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh phô trương, hình thức.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong năm 2022 và với tinh thần “không ngủ quên trên chiến thắng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian dự báo tình hình sắp tới có thời cơ, thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Do đó phải xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình.
Trong cuộc họp về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, kinh tế vĩ mô diễn ra ngày 6/12/2022, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh quan điểm đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã làm việc có trọng tâm trọng điểm rồi phải có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa. Không thỏa mãn với những kết quả đạt được, không chạy theo chủ nghĩa thành tích; Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bám sát, nắm chắc tình hình trong nước và thế giới, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tiếp tục kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện các chính sách được đề ra và tổ chức thực hiện hiệu quả vừa qua, mang lại hiệu ứng tích cực với nền kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân; Xử lý kịp thời những vướng mắc, bất cập, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch; Bảo đảm cân bằng giữa an toàn và phát triển.
Nhận định nhiệm trong thời gian tới đặt ra là rất nặng nề, lãnh đạo Chính phủ đề nghị và mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chủ động, tích cực, quan tâm, đồng hành, ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể Nhân dân và toàn thể đồng bào, cử tri cả nước để nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch, góp phần thực hiện thành công phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.