Kinh tế Hà Nội vượt qua thách thức, các cân đối lớn được đảm bảo
Lý giải nguyên nhân giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất 12 năm Các động lực chính cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam |
Vững bước giữa muôn trùng sóng gió
Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ và khó đoán định, nhất là xung đột vũ trang tại Ukraina kéo dài. Cùng với đó, lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm tăng trường kinh tế toàn cầu, rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu; Hầu hết các tổ chức kinh tế quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2023.
Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; Giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp để ổn định giá và nguồn cung xăng dầu, lãi suất ở mức hợp lý để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông |
Thủ đô Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, phải tập trung phòng, chống dịch bệnh và dành nguồn lực để khắc phục ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; Ngoài ra còn có sự thay đổi cán bộ chủ chốt của thành phố.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời của Trung ương và Thành ủy, sự tin tưởng, ủng hộ tích cực và nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân Thủ đô, thành phố Hà Nội đã thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó đã đạt những kết quả quan trọng, toàn diện, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.
Theo đó, kinh tế Hà Nội phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ, quý sau tăng cao hơn quý trước; Lũy kế 9 tháng năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,69% - là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (cả nước tăng 8,83%, TP HCM tăng 9,97%) và cả năm 2022 dự kiến tăng 8,89%.
Cùng với đó, cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 332.961 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách địa phương dự kiến 100.567 tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán giao đầu năm, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 90,1% dự toán; Chi thường xuyên đạt 95,5% dự toán.
Các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục lại; thực hiện hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng ước đạt 10,9%. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển. Nhờ đó, Hà Nội dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Cũng trong năm 2022, thành phố Hà Nội đã triển khai kịp thời các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng; Giải quyết việc làm cho trên 183.000 lao động, vượt 14,3% kế hoạch; Tạo việc làm cho trên 56.000 lao động từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua ngân hàng chính sách; Thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng cho trên 72.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số thuế được giảm trên 13.000 tỷ đồng; Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho gần 19.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 12.000 tỷ đồng...
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, năm 2022, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn song với tinh thần chủ động trong chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo và sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, người dân và doanh nghiệp; Hà Nội vẫn vưỡng bước đi qua giông bão, đó là một nỗ lực rất đáng ghi nhận, xứng đáng là Thủ đô, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất cả nước.
Sẵn sàng cho năm 2023 với những thách thức mới
Theo dự báo, năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế. Tăng trưởng có xu hướng chậm lại; Nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ gia tăng, khó khăn có thể còn nhiều hơn năm 2022. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, thành phố Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương và sự ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, thành phố kỳ vọng sẽ vượt qua mọi rào cản để giữ vững sự ổn định chính trị, đặc biệt là tiếp tục phát triển mạnh về kinh tế.
Mục tiêu tổng quát năm 2023 của thành phố Hà Nội là giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; Củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới; Nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô.
Theo dự kiến, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố Hà Nội có 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, trên cơ sở xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, lựa chọn chỉ tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7,0% (chỉ tiêu cả nước tăng khoảng 6,5%); GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; Vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá 4,5%.
Cột cờ Hà Nội |
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, thành phố Hà Nội sẽ tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển các động lực tăng trưởng mới với trọng tâm chọn chuyển đổi số là động lực phát triển; Phát triển các mô hình kinh tế mới; Đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Thành phố Hà Nội cũng sẽ thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng của Trung ương trên địa bàn; Bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; Tiếp tục các giải pháp tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; Kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro.
Cùng với đó, thành phố cũng sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; Tăng tỷ trọng các khoản thu mang tính bền vững; Phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước; Triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; Kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, chi từ nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng; Thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát giá cả, thị trường.
Đặc biệt, thành phố Hà Nội cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, đầy đủ; Tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tạo đà cho những năm tiếp theo.