Các động lực chính cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam

Các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, du lịch sẽ là những động lực chính để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng cao nhất 12 năm INFOGRAPHIC kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022: Vượt qua thách thức, phục hồi mạnh mẽ!

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương, đánh giá, năm 2023, tình hình thế giới dự báo sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội.

Trong nước, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn. Khó khăn và nhiều thách thức, nhất là biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao, rủi ro về chuỗi cung ứng; thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý, thiên tai, dịch bệnh bão lũ, biến đổi khí hậu…

Theo bà Hương, bối cảnh quốc tế sẽ trở nên khó khăn hơn trong năm 2023 và sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Các động lực chính cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương

Trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02% và đây sẽ là mục tiêu đầy thách thức.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ sở để đạt được mục tiêu này dựa trên các động lực chính.

Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

"Với sự nỗ lực không ngừng, năm 2023 được dự báo vẫn sẽ một năm gặt hái nhiều thành công của ngành này", bà Hương nhận định.

Cũng theo bà Hương, mặc dù, có dấu hiệu sụt giảm trong quý IV/2022, nhưng một số ngành công nghiệp chế biến vẫn duy trì được mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất khá tốt nên đã giúp kiềm chế đà rơi mạnh của toàn ngành công nghiệp như: sản xuất đồ uống; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất máy móc, thiết bị… Đây sẽ tiếp tục là động lực của khu vực này trong năm 2023.

Cùng với đó, ngành du lịch phục hồi ấn tượng, đặc biệt đối với du lịch nội địa (dự kiến tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ) đã kéo theo các hoạt động du lịch lữ hành, vận tải kho bãi, lưu trú ăn uống, bán buôn bán lẻ tăng trưởng mạnh, đang dần về mức như trước đại dịch.

"Đó là các ngành dịch vụ thị trường đóng góp lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ nói chung", bà Hương nhận định.

Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng hồi phục sau đại dịch và được hỗ trợ tối đa từ nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh từ giữa và nửa cuối năm 2022 đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu hàng hóa nông sản, nhờ vào đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn năm trước.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, năm 2023 hứa hẹn vẫn sẽ một năm thành công của xuất khẩu các sản phẩm nông sản.

Mặt khác, lĩnh vực đầu tư công cũng sẽ là vốn mồi cho các hoạt động sản xuất, kích cầu của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.

"Khi tiêu dùng sau giai đoạn phục hồi mạnh sau dịch COVID-19 đã có dấu hiệu chậm lại và đầu tư nước ngoài vẫn là một ẩn số khi hiện nay vốn đăng ký giảm đi, dù vốn thực hiện có tăng thì đầu tư công vẫn là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế trong năm 2023", bà Hương đánh giá.

Cuối cùng, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội thông qua đẩy mạnh và điều chỉnh có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2023; lạm phát được kiểm soát là yếu tố giúp cho kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng tốt.

Hậu Lộc
Phiên bản di động