Khúc khải hoàn ca từ mùa Hè Điện Biên đến mùa Thu Hà Nội
Chương trình do Đài PT-TH Hà Nội thực hiện dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND, HĐND TP Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên kênh 1, phát thanh FM96, ứng dụng Hanoi On và các nền tảng số của Đài Hà Nội.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí cộng sản Lê Hải Bình; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải; Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm -Tổng Giám đốc đài Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Hà Nội.
Bằng ngôn ngữ âm nhạc, chương trình chính luận nghệ thuật “Từ mùa Hè Điện Biên đến mùa Thu Hà Nội” đã đưa khán giả đi suốt dọc hành trình hơn 3.000 ngày trường chinh đánh giặc cho tới thắng lợi Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và ngày về Thủ đô trong khải hoàn chiến thắng.
Các ca sĩ tham dự chương trình |
Chương trình được mở đầu với tổ khúc “Hồi tưởng” của nhạc sĩ Hoàng Vân trong âm hưởng đầy lạc quan, tự hào về một thời đại mới sau mùa Thu tháng Tám lịch sử. Nhưng ngay sau đó là vận mệnh của Việt Nam lại đứng trước một thách thức mới.
Những thước phim tư liệu lịch sử cùng âm nhạc đã dẫn dắt khán giả trở về không khí sục sôi của năm 1954, khi mà mọi con đường đều hướng về Tây Bắc, nơi có Điện Biên Phủ và trận quyết chiến lịch sử. Tây Bắc, vùng đất kỳ lạ và hấp dẫn, không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhiều tên người, tên núi, tên sông đã đi vào thi ca, nhạc, họa như một huyền thoại.
Các nghệ sĩ thể hiện ca khúc "Hò dô ta nào" (St: Đỗ Nhuận) |
Điểm nhấn của chương trình chính là sự xuất hiện của những thước phim lịch sử và những nhân chứng như Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên sĩ quan Tham mưu Chiến dịch Điện Biên Phủ; Ông Phạm Đức Cư (Tiểu đoàn 394, Trung đoàn pháo cao xạ 367, Đại đoàn 351) và những chuyên gia lịch sử như Đại tá Nguyễn Ngọc Long, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tất cả đã khẳng định Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thể hiện những yếu tố đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là nghệ thuật chỉ đạo và tiến hành chiến tranh nhân dân; nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận; nghệ thuật lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch; thay đổi phương châm tác chiến… Chiến thắng của Điện Biên Phủ gắn liền với huyền thoại Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cũng tại chương trình, khán giả đã được thưởng thức những ca khúc hào hùng như Đường lên Tây Bắc (Sáng tác: Văn An); Tiếng đàn (Sáng tác: An Thuyên) ; Hò kéo pháo (Sáng tác: Đỗ Nhuận) … với sự tham dự của các ca sĩ Đăng Dương, Vũ Thắng Lợi, Bảo Yến, & Dàn nhạc Thính phòng Thăng Long; NSƯT Hoàng Tùng, Vũ Thắng Lợi, Viết Danh, Bảo Yến…
Chương trình được kết nối từ các điểm cầu Tượng đài chiến thắng Điện Biên và Đền thờ Liệt sỹ Điện Biên |
Ngoài ra, khán giả còn ấn tượng về những câu chuyện đằng sau sự ra đời của các ca khúc trong kháng chiến chống Pháp. Đó là ca khúc “Đường lên Tây Bắc” của nhạc sĩ Văn An trong bối cảnh đó đã mang đến những cảm xúc cho người xem bởi những giai điệu, ca từ mộc mạc nhưng tràn đầy tràn đầy mỹ cảm về miền Tây Bắc nên thơ và lãng mạn trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Tác phẩm đầu tay “Đường lên Tây Bắc” trở thành ca khúc thành công đầu tiên của nhạc sĩ Văn An, lan tỏa khắp các nẻo đường đánh giặc bởi giai điệu và lời ca tuyệt đẹp. Bài hát đem lại sự ấp áp và niềm tin vào cuộc kháng chiến gian khổ, khó khăn, nhưng nhất định dành thắng lợi.
Ông Phạm Đức Cư (Tiểu đoàn 394, Trung đoàn pháo cao xạ 367, Đại đoàn 351) trong các phóng sự phát tại chương trình |
Tiếp đến là câu chuyện về sự ra đời ca khúc “Hò dô ta nào” (Sáng tác: Đỗ Nhuận) cùng hoạt cảnh gợi lên hình ảnh những anh hùng chiến đấu anh dũng hy sinh như anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót…, cùng biết bao người lính đã ngã xuống, góp phần đưa chiến dịch đến toàn thắng.
Huyền thoại Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ một lần nữa được nhắc đến qua các ca khúc trong chương trình |
Bên cạnh những khúc ca hào hùng, đầy khí thế khắc họa lại cuộc chiến đấu trí, đấu lực giữa quan đội ta và giặc Pháp là những khoảng lặng của chương trình là khúc ca về người mẹ anh hùng, giai điệu vang lên từ Đền thờ Liệt sỹ Điện Biên.
Và qua cả những thước phim lịch sử |
Có thể nói, âm nhạc, ca từ, thước phim tư liệu, kỹ xảo, ánh sáng đã kể câu chuyện “Từ mùa Hè Điện Biên đến mùa Thu Hà Nội” khép lại 9 năm chiến đấu gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của cả dân tộc.
Chương trình chính luận nghệ thuật “Từ mùa Hè Điện Biên đến mùa Thu Hà Nội” thêm một lần nữa khẳng định, đã 70 năm trôi qua, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành mốc son chói lọi trên chặng đường lịch sử nước nhà.
Đó là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam, là bản hùng ca bất diệt của thời đại Hồ Chí Minh.
Các nghệ sĩ cùng biểu diễn ca khúc "Cảm xúc tháng Mười" - khúc khải hoàn ca mùa Thu Hà Nội |
Các đại biểu tặng hoa nghệ sĩ và các em thiếu nhi làm nên thành công của chương trình |