Sáng mãi “thiên sử vàng” Điện Biên Phủ
Ký ức về những ngày tháng hào hùng
Có dịp đặt chân đến mảnh đất Điện Biên anh hùng những ngày tháng 5 này, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng cựu chiến binh Phạm Đức Cư (phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), một trong những đồng đội thân thiết của anh hùng Tô Vĩnh Diện.
Bước sang tuổi 94 nhưng khi nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cựu chiến binh Phạm Đức Cư vẫn tỏ ra minh mẫn. Ông kể, đầu năm 1953, ông gia nhập Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 - đơn vị pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 12/1953, chàng trai trẻ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong vai trò là Tham mưu tác chiến của Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, Binh chủng Pháo binh.
Ông Phạm Đức Cư |
“Chúng tôi nhận được lệnh tháo pháo khỏi xe, dùng sức người để kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Để kéo được khẩu pháo nặng 2,4 tấn vào trận địa, cần 80-100 cán bộ, chiến sĩ tham gia, mỗi người được phát một đôi giày vải trước khi lên đường.
Lúc đó, thời tiết khắc nghiệt cùng địa hình núi cao, vực sâu và sự bắn phá tung trời của địch… là thách thức lớn với chúng tôi. Có những hôm, trời đổ cơn mưa tầm tã kéo dài, đường trơn trượt, sơ sẩy thì pháo sẽ lao thẳng xuống vực thẳm. Đôi giày vải được phát sau vài hôm cũng trở nên nát bươm. Anh em bỏ giày, đi chân trần, dẫm lên gốc cây, đá nhọn, tứa máu.
Suốt hành trình kéo pháo bằng sức người, các cán bộ đến chiến sĩ đều lấm lem bùn đất, chân tay xước xát, hai mắt thâm quầng vì đói ăn, thiếu ngủ. Dẫu vậy, chẳng ai than mệt mà luôn mang trong mình tinh thần hừng hực khí thế chiến đấu, chờ ngày nổ súng quyết chiến quân thù…”, ông Cư nhớ lại.
Trải qua 9 ngày đêm liên tục, với sự nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ, những khẩu pháo nặng hàng tấn đã đến vị trí tập kết, cách tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 15 - 18km.
Sang tháng 1/1954, đơn vị của ông Cư được lệnh kéo pháo vào trong lòng chảo Điện Biên, áp sát với các cứ điểm của địch. Đây là mệnh lệnh thay đổi chiến thuật đánh địch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Việc thay đổi phương châm tác chiến là một thử thách không nhỏ với các cán bộ, chiến sĩ pháo binh. Bởi kéo pháo vào đã gian truân, vất vả thì kéo pháo ra còn khó khăn, phức tạp bội phần.
Tuy nhiên, với sự đồng lòng, quyết tâm của cả đơn vị và sự chỉ huy trực tiếp của Tiểu đoàn trưởng Trịnh Duy Hậu, Chính trị viên Phạm Đăng Ty (sau này là Thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, Bí thư Đảng ủy Cục Hàng không dân dụng Việt Nam), lực lượng pháo binh của ta đã đồng loạt kéo pháo ra khỏi trận địa ngay từ chập tối 26/1/1954.
Ông Phạm Đức Cư tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ |
Cuộc chiến đấu với đèo cao, dốc thẳm bắt đầu trở lại. Những câu hò kéo pháo đẫm sương đêm, mồ hôi, nước mắt và máu: “Hai, ba... này! Dô... ô... ô ta nào! Dô... ô... ô ta nào!” tiếp tục vang lên. Giặc Pháp phát hiện, chúng liên tục cho máy bay ném bom, pháo kích… gây cho ta nhiều tổn thất.
Kể tới đây, giọng ông nghẹn ngào xúc động khi nhớ tới người anh Tô Vĩnh Diện đã kiên cường hy sinh thân mình cứu pháo khi tuổi đời chỉ mới 26.
“Lúc ấy, khẩu pháo do anh hùng Tô Vĩnh Diện phụ trách đang xuống dốc. Bất chợt, một chùm pháo của địch bắn tới khiến nhiều đồng chí bị thương. Anh Diện vội lao lên túm chặt lấy càng pháo to hơn cái bắp cày, nặng hàng trăm cân thay cho các khẩu đội bị thương.
Pháo di chuyển đến lưng chừng dốc, giặc lại nã một chùm đạn khiến một trong hai dây tời kéo pháo bị đứt, khẩu pháo nặng 2,4 tấn quay ngang, quay dọc, đối mặt với nguy cơ lao xuống vực sâu.Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện hét lên: “Bám chắc, quyết tâm bảo vệ pháo” nhưng khẩu pháo vẫnlao xuống ầm ầm.
Anh lại hét to: “Chết không rời pháo!”.
Tô Vĩnh Diện cắn chặt môi, cùng các chiến sĩ đạp mạnh vào vách núi, hai tay ghì chặt, cố hết sức đẩy càng pháo vào taluy dương để pháo không bị lăn xuống vực. Khẩu pháo càng lao nhanh, quật mạnh càng, hất tung hai chiến sĩ bám bên cạnh xuống vực lao thẳng xuống dốc.
Trong tình huống nguy nan ấy, anh Diện buông tay lái, đạp mạnh hai chân, đẩy thân mình lao vào chèn bánh pháo. Khẩu pháo bị vướng, nghiêng dựa vào sườn núi và dừng hẳn. Đơn vị kịp ghìm giữ được khẩu pháo dừng lại, đưa đồng chí Tô Vĩnh Diện ra ngoài.
Trong lúc đồng đội ứng cứu, Tô Vĩnh Diện vẫn gắng hỏi: “Pháo có sao không?”, rồi ra đi mãi mãi”, ông Cư lặng người.
Giữa núi rừng mênh mông, bao quanh là đêm đen vắng lặng, không một nén hương, các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 394 cùng mặc niệm trước mộ người đồng đội anh trung, bất khuất, kiên cường Tô Vĩnh Diện.
“Sự hy sinh anh dũng của anh Diện càng thôi thúc chúng tôi - những người lính pháo cao xạ quyết tâm đánh thắng quân thù. Chiều tối 13/3/1954, thời điểm bắt đầu chiến dịch, pháo binh, bộ binh của quân đội ta ồ ạt tiến công đánh chiếm điểm cao khu vực tiền tiêu quan trọng tại phân khu 1 Him Lam, chỉ trong vòng 7 giờ đồng hồ quân ta đã làm chủ thế trận”, ông Cư nhấn mạnh.
Chiến dịch mới diễn ra 3 ngày (từ ngày 13 - 16/3/1954), địch đã mất 3 vị trí tiền tiêu quan trọng ở phân khu phía Bắc. Ngày 16/3/1954, quân địch ở khu đồi bản Kéo lũ lượt cầm cờ trắng ra hàng.
Diện mạo mới của Điện Biên Phủ anh hùng |
Trải qua 56 ngày đêm anh dũng chiến đấu, ông Cư và các đồng đội tại Trung đoàn pháo cao xạ 367 đã bắn rơi 52 máy bay chiến đấu các loại của thực dân Pháp, cắt đứt đường tiếp tế hàng không của địch, qua đó, góp công cùng Quân đội Nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Cư tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1962, ông được cấp trên cử lên Điện Biên xây dựng kinh tế và sống cùng gia đình tại mảnh đất lịch sử này cho đến hôm nay. Trở về cuộc sống đời thường, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ. Ông giáo dục con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí bất khuất, bước tiếp truyền thống cha anh, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
“Tôi đã được chứng kiến Điện Biên từ những ngày còn ngổn ngang hố bom, dây thép gai, bãi mìn, đến hôm nay, mảnh đất này vươn mình phát triển mạnh mẽ. Tôi tin rằng, những kỷ vật, hiện vậtcủa người lính ở bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sẽ là minh chứng rõ nét nhất khẳng định sự chiến đấu kiên cường của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Điều đó cũng như nhắc nhớ, lan tỏa trang sử hào hùng của dân tộc, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”, ông nói.
Ông Lê Văn Minh (bên trái) cùng những người đồng hương viếng thăm nghĩa trang đồi A1 |
Đến với Điện Biên vào những ngày tháng 5 lịch sử, thăm nghĩa trang đồi A1, viếng các anh hùng liệt sĩ tại đây, ông Lê Văn Minh, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Sơn Ngọc, xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, tâm sự, 2 bác ruột của ông đã anh dũng hy sinh năm 1951 tại chiến trường này.
“Ông cha ta đã ngã xuống để thế hệ mai sau được sống trong thời bình. Vì vậy, tôi mong rằng, thế hệ trẻ hôm nay sẽ luôn giữ vững tinh thần yêu nước, tiếp bước truyền thống hào hùng đó của cha anh”, ông Minh xúc động nói.
Ông Lê Văn Quảng trò chuyện cùng phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Còn ông Lê Văn Quảng (Hội Cựu chiến binh thôn Xuyên Mộc, xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) luôn mong muốn, giới trẻ hiện nay quan tâm nhiều hơn đến môn Lịch sử cũng như cần tôn tạo, tu bổ những di tích tại Điện Biên, để từ đó, thêm hiểu và trân trọng những công lao của cha anh thế hệ trước đã hy sinh cho nền độc lập, tự do cho dân tộc.