Không vùng cấm chống buôn lậu, gian lận kinh doanh xăng dầu

Hoạt động buôn lậu, gian lận trong sản xuất, kinh doanh, xăng dầu diễn ra phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, làm thất thu lớn ngân sách nhà nước...
Giá xăng dầu giảm mạnh ngay sau Tết Nguyên đán

Văn phòng Thường trực Ban 389 Quốc gia dẫn báo cáo của ngành Thuế cho biết, từ năm 2016 xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý thuế, Tổng cục Thuế đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu thông qua giải pháp dán tem quản lý đồng hồ công tơ tổng.

khong vung cam chong buon lau gian lan kinh doanh xang dau
Một cửa hàng xăng dầu vi phạm. Ảnh: DMS.

Hiện nay, theo báo cáo của các Cục thuế thì việc triển khai dán tem niêm phong đồng hồ công tơ tổng các cột bơm xăng dầu đã giúp cơ quan Thuế kiểm soát, đối chiếu hàng tháng/quý về sản lượng bán ra của các cửa hàng xăng dầu, qua đó kiểm soát tốt hơn doanh thu, chi phí đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, hạn chế hành vi gian lận thuế của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nâng cao tính tuân thủ của các doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Việc triển khai dán tem cây xăng được triển khai khắp cả nước đã góp phần quản lý tốt các cây bơm xăng (dán tem) nên phát sinh tăng thuế trong khoảng 15 - 30% so với năm 2016; hoạt động mua, bán xăng dầu trôi nổi trên thị trường giảm, từng bước đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xăng dầu diễn ra phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, làm thất thu lớn ngân sách nhà nước, tác động trực tiếp đến an ninh năng lượng của quốc gia.

Trong đó, nổi lên là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển diễn biến phức tạp; kinh doanh, pha chế xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật; gian lận thương mại, vi phạm quy định về đo lường và các hành vi vi phạm khác.

Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu còn tiềm ẩn và diễn ra phức tạp, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương làm tốt công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản theo lĩnh vực ngành, địa bàn quản lý, phụ trách; tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch thường xuyên và đột xuất; tăng cường tuần tra kiểm soát phát hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu trái phép, kịp thời có biện pháp xử lý, tuyệt đối không để nổi cộm, kéo dài và xác định không có vùng cấm.

Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan chức năng và Tổng Cục Quản lý thị trường tăng cường việc quản lý việc cấp phép xuất nhập khẩu xăng dầu, các chất dung môi, nhất là loại có khả năng sử dụng pha chế xăng dầu; kiểm tra thị trường, nhất là những địa bàn có nguy có lớn về vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu trái phép.

Trong khi đó, Bộ Tài chính được yêu cầu chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế tăng cường việc kiểm tra, giám sát các hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu, chất dung môi có khả năng pha chế xăng dầu; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trong địa bàn hoạt động để ngăn chặn đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép và làm xăng dầu giả, kém chất lượng; hoàn thành việc dán tem vào công tơ tổng, triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty xăng dầu sử dụng công nghệ kết nối truyền dữ liệu mua, bán xăng dầu đến cơ quan Thuế.

Còn Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chủ động phát hiện những đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép và xăng dầu giả, kém chất lượng lập án đấu tranh; tăng cường tuần tra kiểm soát trên đường bộ, các vùng biển, vùng nước cảng, những nơi diễn ra nhiều trao đổi mua bán xăng dầu trái phép để chủ động phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu trái phép.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ theo phạm vi, lĩnh vực, địa bàn được giao đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu của tập đoàn, tổng công ty, các tổng đại lý, địa lý bán lẻ, cửa hàng bán lẻ thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đo lường và chất lượng, chú trọng quy định gắn thiết bị in chứng từ bán hàng cho cột đo xăng dầu để in và cung cấp chứng từ cho khách hàng khi có yêu cầu chống thất thu thuế, buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Văn Huy
Phiên bản di động