Không phê chuẩn đơn từ nhiệm của Chủ tịch Tổng công ty Bình Dương
Từ bán rẻ đất công tới khoản nợ khủng của Tổng Công ty Bình Dương Công ty bị điều tra vụ bán 43ha đất công giá bèo, Chủ tịch xin từ nhiệm |
Ngày 29/11, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - CTCP (mã CK: PRT) đã tổ chức phiên họp lần thứ 8 nhiệm kỳ 2018-2022.
Tại phiên họp này, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bình Dương đã thông qua quyết định không phê duyệt đơn từ nhiệm ngày 21/11/2019 của ông Nguyễn Văn Minh.
Đồng thời, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bình Dương yêu cầu ông Minh tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch nhiệm kì 2018-2022 và thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Minh. |
Trước đó, ngày 21/11, ông Nguyễn Văn Minh đã có đơn gửi Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bình Dương xin chấp thuận từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty từ ngày 1/12/2019.
Lý do từ nhiệm được ông Minh đưa ra là vì tuổi cao, sức khỏe kém nên không thể tiếp tục thực hiện được trọng trách Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bình Dương.
Đáng nói, đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Văn Minh gửi Hội đồng quản trị diễn ra trong bối cảnh Tổng công ty đang dính lùm xùm vụ bán 43ha đất công ở TP Thủ Dầu Một với giá bèo với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.
Trụ sở Tổng công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương. Ảnh website công ty. |
Trước đó, Tỉnh ủy Bình Dương đã công bố chuyển hồ sơ sang cơ quan công an tỉnh điều tra việc chuyển nhượng 43 ha đất công do Tổng Công ty Bình Dương quản lý, có dấu hiệu làm thất thoát tài sản nhà nước.
Mới đây, ngày 15/11, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Văn Minh đã ký Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc Tổng Công ty Bình Dương hủy hợp đồng mua lại 19% cổ phần của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Tân Thành, từ Công ty Cổ phần Hưng Vượng và một cá nhân là ông Đặng Công Thanh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Nguyễn Văn Minh sinh năm 1955. Ông Minh đảm nhận chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bình Dương từ tháng 11/2018 đến nay.
Trước đó, từ năm 1976 đến 1981, ông Minh công tác tại Xí nghiệp Quốc doanh chăn nuôi 2/9. Từ năm 1982, ông bắt đầu công tác tại Tổng Công ty Bình Dương và trải qua các vị trí Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc khi Tổng Công ty Bình Dương chưa phát hành lần đầu ra công chúng.
Được biết, Tổng Công ty Bình Dương tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được thành lập năm 1982. Công ty được phê duyệt cổ phần hóa năm 2017 với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và đến tháng 3/2018 đã chào bán thành công 30 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Hiện tại, Tỉnh ủy Bình Dương đang nắm 60% cổ phần
Tổng Công ty Bình Dương là 1 trong 3 tổng công ty Nhà nước lớn nhất tỉnh Bình Dương, cùng với Becamex và Thalexim. Tổng công ty này được giao quản lý quỹ đất rộng lớn lên tới hàng triệu mét vuông (thời điểm cuối 2017, trước khi cổ phần hóa là 2,55 triệu m2).
Theo báo cáo tài chính riêng của Tổng Công ty Bình Dương công bố mới đây, trong quý 3/2019, công ty này đạt 4,4 tỷ đồng doanh thu thuần, chỉ bằng nửa cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế bất ngờ lỗ gần 16,2 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, Tổng Công ty Bình Dương ghi nhận 13,7 tỷ đồng doanh thu thuần, vượt giá vốn hàng bán nên lợi nhuận gộp bị lỗ 873 triệu đồng, cùng kỳ năm trước lãi 522 triệu đồng.
Đáng nói, trong 9 tháng đầu năm 2019, khoản doanh thu hoạt động tài chính của Tổng Công ty Bình Dương tăng đột biến, đạt mức 336,4 tỷ đồng và khoản lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 95,4 tỷ đồng. Trong kỳ vừa qua, công ty phải trả 97,1 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Kết quả, Tổng Công ty Bình Dương ghi nhận 94,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 24,3 tỷ đồng.
Chiếu theo báo cáo tài chính, tại thời điểm ngày 30/9/2019, Tổng Công ty Bình Dương có tổng tài sản đạt 6.332 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 1.428 tỷ đồng, đầu tư tài chính hơn 3.900 tỷ đồng.
Cũng tại thời điểm cuối tháng 9/2019, Tổng Công ty Bình Dương gánh khoản nợ phải trả lên tới 3.261 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 2.608 tỷ đồng, còn lại là nợ dài hạn.
Đặc biệt, tại khoản mục "Nợ tiềm tàng'' trong báo cáo tài chính có nêu, theo báo cáo kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013 - 2016 ngày 15/8/2017 của Kiểm toán Nhà nước khu vực IV. Đối với dự án Khu dịch vụ của Tổng Công ty Bình Dương được giao đất trong giai đoạn 2012 - 2013, Kiểm toán Nhà nước xác định nghĩa vụ tài chính Tổng công ty phải nộp bổ sung là 409,4 tỷ đồng, trong đó 201 tỷ đồng là tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung do Kiểm toán Nhà nước xác định lại đơn giá thu tiền sử dụng đất và 208,4 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp.
Mặc dù vậy, Tổng Công ty Bình Dương không thống nhất với kết luận của Kiểm toán Nhà nước và đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương đề nghị xem xét nhưng chưa được trả lời tại thời điểm phát hành báo cáo.