“Chìa khóa” trong chiến lược phát triển tài chính bền vững

Chiều 25/4, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Báo Lao động tổ chức Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh” nhằm làm rõ vai trò của tín dụng xanh trên hành trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Phó Thống đốc: Dư nợ tín dụng xanh đạt gần 637.000 tỷ đồng

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xanh

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao Động cho rằng, tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển tài chính bền vững. Đây không chỉ là dòng vốn thúc đẩy các dự án thân thiện với môi trường, mà còn là chất xúc tác giúp doanh nghiệp đổi mới mô hình sản xuất, thích ứng với xu thế chuyển đổi xanh ngày càng rõ nét.

Ông Hiển dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cho biết, nếu như năm 2017 chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia, thì đến năm 2024, đã có 48 đơn vị phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Những con số này cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tổng Biên tập Báo Lao Động cho rằng, trong quá trình vận hành, các ngân hàng và doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn thiếu khung tiêu chí thống nhất để xác định dự án xanh, công cụ đánh giá rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng...

Những “nút thắt” đó đòi hỏi một cách tiếp cận mới toàn diện hơn, linh hoạt hơn và đồng bộ hơn giữa chính sách, thị trường và hành lang pháp lý.

Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh
Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Báo Lao động tổ chức Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh”, chiều 25/4.

Tại hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, tài chính xanh trong đó có tín dụng xanh không phải là một vấn đề mới nhưng ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các quốc gia trên thế giới cũng như của Việt Nam nhất là trong bối cảnh hiện nay cần đẩy mạnh huy động nguồn lực thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Theo ông Tú, tín dụng xanh và thực thi ESG là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững, là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, là giải pháp giúp các tổ chức tín dụng định hướng lại hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Qua đó khẳng định vị thế, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh; đồng thời, đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh là nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao, cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh.

“Chìa khóa” trong chiến lược phát triển tài chính bền vững
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội thảo.

Ông Đào Minh Tú nhận định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội để phát triển, nhờ có các định hướng, quy định rất rõ ràng.

Thứ nhất, Luật Bảo vệ môi trường (2020) và các văn bản hướng dẫn luật đã quy định về tín dụng xanh, lộ trình phát triển tín dụng xanh, các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển tín dụng xanh, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, tại chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh qua các giai đoạn, các nghị quyết gần đây của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, cho thấy quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện “chuyển đổi xanh – chuyển đổi số”, phát triển nhanh và bền vững để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế 2 con số giai đoạn 2026-2030. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều đặt nhiệm vụ, yêu cầu cho ngành ngân hàng phải thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh;

Thứ ba, trên cơ sở các khung chính sách này, thời gian qua, ngành ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, chủ động, triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh và đã đạt nhiều kết quả tích cực về nhận thức, số lượng các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực xanh, quy mô và tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh.

Từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia năm 2017, đến nay đã có 50 đơn vị phát sinh dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, năm sau cao hơn năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế.

"Những con số này rất đáng khích lệ, tuy nhiên tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc đẩy nhanh, tận dụng dư địa đó", ông Tú nói.

Theo ông Tú, từ thực tiễn, các ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp không ít khó khăn như: Chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia, quy định chung về ESG để các doanh nghiệp thực hành, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngày càng khắt khe; công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng; yêu cầu cao hơn về quản trị, chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng trong lĩnh vực môi trường, xã hội, khí hậu để nhận diện, thẩm định quản lý, giám sát khoản cấp tín dụng cũng như tư vấn, hỗ trợ khách hàng đáp ứng các tiêu chí mới của quốc tế về phát thải...

Lấy ví dụ về dự án 1 triệu ha ở Đồng bằng sông Cửu Long - một trong những dự án điển hình cho tín dụng xanh. Nếu như có sự đồng bộ về pháp lý, nhận thức của các doanh nghiệp, ngân hàng, nông dân phải thì sẽ phát huy hiệu quả nguồn vốn này. Rõ ràng đây là câu chuyện môi trường gắn với kinh tế xanh, ngân hàng xanh. Nhìn về góc độ vĩ mô chúng ta đã có hành lang pháp lý nhưng nhìn vào từng dự án cụ thể chúng ta có tiêu chí đánh giá rõ ràng. Đây là vấn đề cấp thiết, cần xây dựng cụ thể hơn.

Tăng trưởng xanh - xu hướng phát triển chủ đạo trên thế giới

Chia sẻ tại hội thảo, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tiếp tục là xu hướng phát triển chủ đạo trên thế giới trước những vấn đề ngày càng nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.

“Chìa khóa” trong chiến lược phát triển tài chính bền vững
Ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao động phát biểu tại hội thảo.

Nhận thức rõ những thách thức và yêu cầu đặt ra đối với việc phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới, Đảng và Nhà nước đã đề ra các quan điểm, định hướng, mục tiêu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, xây dựng và triển khai những giải pháp tổng thể để huy động hiệu quả nguồn vốn từ mọi khu vực cho chuyển đổi kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, trong bối cảnh thị trường trái phiếu xanh và thị trường các-bon mới phát triển, đang hình thành, nguồn vốn tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động mang lại lợi ích môi trường, phát triển các mô hình sản xuất bền vững, góp phần chuyển đổi nền kinh tế xanh, phát thải thấp.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai kịp thời, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng xanh được thúc đẩy, phát triển.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, trong đó có hỗ trợ nền kinh tế chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh.

“Chìa khóa” trong chiến lược phát triển tài chính bền vững
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước).

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng mục tiêu, xây dựng các giải pháp thúc đẩy, phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, phát thải các-bon thấp; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon tại các chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025...

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và phù hợp với xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực triển khai các chính sách tín dụng tập trung vốn cho các ngành/lĩnh vực xanh, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở phòng tránh biến đổi khí hậu...

Đặc biệt năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực tham gia làm thành viên của nhiều diễn đàn tài chính quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, huy động nguồn lực, nâng cao năng lực... trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh cho các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; đồng thời trên cơ sở thực tế triển khai của Việt Nam cũng đóng góp nhiều sáng kiến về ngân hàng xanh, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về tiền tệ ngân hàng, phục vụ cho phát triển ngành Ngân hàng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Về phía các tổ chức tín dụng cũng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu về tín dụng xanh, ngân hàng xanh khá toàn diện, đáp ứng các quy định của Ngân hàng Nhà nước, quy định của pháp luật về môi trường, tiệm cần dẫn với tiêu chuẩn quốc tế.

Các tổ chức tín dụng chủ động ban hành, lồng ghép các nội dung thực hiện tăng trưởng xanh trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh doanh; đa dạng hóa nguồn lực (bao gồm: sản phẩm tiền gửi xanh, phát hành trái phiếu xanh, tiếp cận nguồn vốn của các quỹ, tổ chức tài chính quốc tế) cho tăng trưởng xanh bên cạnh nguồn vốn huy động truyền thống; chủ động nghiên cứu phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, phương tiện thanh toán mới; thiết lập hệ thống và thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng...

Kết quả, tính đến ngày 31/12/2024, đã có 48 tổ chức tín dụng cho vay với dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%); tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. Đến nay, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng trên 26% so với cuối năm 2023.

Hậu Lộc
Phiên bản di động