Khoảng 1.000 dự án bất động sản đang mắc kẹt vì vướng pháp lý
Chính phủ tiếp tục đốc thúc tháo gỡ khó khăn cho bất động sản |
Đây là một trong những khó khăn được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại buổi gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với đại diện cộng đồng doanh nhân Việt Nam, diễn ra chiều 11/10.
Theo ông Dũng, trong lĩnh vực bất động sản, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, đây vẫn là nút thắt lớn nhất của thị trường.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, một phần nguyên nhân khiến các dự án bị chậm liên quan đến một số vướng mắc về mặt thể chế, pháp luật thuộc quy định của luật đang được Chính phủ đề xuất tháo gỡ trong dự thảo các luật trình Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. |
Trong đó, đơn cử như việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vấn đề đất đai trong các quy định của Luật Đất đai về phương pháp xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, bảng giá đất, giải phóng mặt bằng; tháo gỡ khó khăn về phát triển nhà ở xã hội trong các quy định của Luật Nhà ở về quy hoạch, bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội, lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, ưu đãi và trách nhiệm của chủ đầu tư.
Ngoài ra, khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng...
Tại cuộc gặp mặt đại diện cộng đồng doanh nhân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới cần xác định rõ việc cải cách thể chế, tháo gỡ ngay các rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Trong đó, cơ quan Nhà nước cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành; cần vận dụng cơ chế "một luật sửa nhiều luật" đối với các những vướng mắc, điểm nghẽn đã được làm rõ, đi kèm với quy trình thực hiện rút gọn để có thể thực thi ngay.
Cùng với đó là việc tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, không ban hành điều kiện kinh doanh dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Bên cạnh đó, toàn hệ thống cần nhất quán trong việc không ban hành thêm những quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời cần khẩn trương cụ thể hóa cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ.