Khẩn trương xây dựng các phương án điều chỉnh giá điện

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng các phương án điều chỉnh giá điện...
Phó Thủ tướng ra "tối hậu thư" thời hạn trình phương án điều chỉnh giá điện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ bất cập về lĩnh vực điện, giá điện

Đây là một trong những nội dung tại Thông báo số 419/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng các phương án điều chỉnh giá điện theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá tác động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, trong đó, nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp, kịp thời, khả thi hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách và các đối tượng yếu thế theo quy định của pháp luật; báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 25/10.

Khẩn trương xây dựng các phương án điều chỉnh giá điện
Ảnh minh họa.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24/2017 cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Trong báo cáo lần này, Bộ Công thương thông tin thêm về đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần theo đề xuất của EVN.

Theo Bộ Công thương, hiện cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24/2017. Thời gian điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra và xác định các chi phí đầu vào khiến giá thành điện tăng từ 3% trở lên.

Bộ Công thương cho biết, dù đã có quy định như trên nhưng quá trình thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ. Từ năm 2017 đến nay, giá điện mới được điều chỉnh ba lần, vào năm 2017 tăng 6,08%, năm 2019 là 8,36%, sau đó tới tháng 5/2023 mới tăng thêm 3%.

Theo Bộ Công thương, thực tế điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua thường thấp hơn so với phương án đề xuất của EVN và kết quả rà soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều này dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi các chi phí phát sinh chưa được tính hoặc chưa được tính đủ vào giá điện.

Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá tối thiểu 6 tháng xuống 3 tháng là phù hợp.

“Việc này đảm bảo chi phí không bị dồn tích nhiều, gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN, vừa có thể cân nhắc những thời điểm mà các chỉ số kinh tế vĩ mô thuận lợi để xem xét thực hiện việc điều chỉnh giá điện và dần đưa giá điện thích ứng với biến động các thông số đầu vào theo thị trường", báo cáo của Bộ Công thương nêu.

Hậu Lộc
Phiên bản di động