Hướng tới xây dựng TP Yên Bái trở thành đô thị loại I trong tương lai
UBND tỉnh Yên Bái vừa phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, mục tiêu của Đồ án nhằm phát triển thành phố Yên Bái đạt các tiêu chí của đô thị loại II vào giai đoạn 2020 - 2025 trên cơ sở lấy chất lượng đô thị làm trọng tâm, phát triển mở rộng thành phố Yên Bái ra vùng phụ cận, trong đó xây dựng các xã Văn Phú, Tân Thịnh và Giới Phiên trở thành các phường, hướng tới mục tiêu tương lai “Thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại I”.
Ảnh minh họa |
Qua đó, làm cơ sở để thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng thành phố Yên Bái trở thành đô thị nằm hai bên sông Hồng, là đô thị phát triển xanh, bản sắc và hạnh phúc, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao, thích ứng với xu thế hội nhập quốc tế, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, đồ án cũng thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; làm cơ sở để lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khung trong đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.
Cụ thể, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Yên Bái; một phần của huyện Trấn Yên như các xã Bảo Hưng, Minh Quân, Việt Cường, Vân Hội, một phần xã Y Can và một phần huyện Yên Bình như thị trấn Yên Bình, xã Đại Đồng, xã Thịnh Hưng, xã Phú Thịnh.
Ranh giới lập quy hoạch: Phía Bắc giáp huyện Yên Bình; phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ và huyện Trấn Yên; phía Tây giáp huyện Trấn Yên; phía Đông giáp tỉnh Phú Thọ.
Theo Phê duyệt quy hoạch của UBND tỉnh Yên Bái, thành phố Yên Bái là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học kỹ thuật của tỉnh Yên Bái. Đồng thời là đô thị văn hóa, sinh thái, động lực phát triển kinh tế của tỉnh Yên Bái trong đó công nghiệp hỗ trợ cho sự phát triển nông nghiệp và dịch vụ mang tính đặc trưng của các tỉnh miền núi phía Bắc.
Không những vậy, thành phố Yên Bái còn là cửa ngõ, trung tâm phát triển của miền Tây Bắc và là trung tâm giao lưu, kết nối giữa khu vực Tây Bắc với khu vực Đông Bắc, vùng Trung du Miền núi phía Bắc với vùng thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng Bắc Bộ; là đầu mối giao thông trung chuyển quan trọng gắn với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.
Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 31.915 ha. Quy mô dân số hiện tại khoảng 142.374 người, dự báo đến năm 2030 khoảng 205.000 người và đến năm 2040 khoảng 260.000 người.
Theo phê duyệt quy hoạch, vùng đô thị trung tâm bao gồm các khu vực đô thị hiện hữu và các khu vực đô thị phát triển mới lấy trục sông Hồng làm trung tâm phát triển năng động. Vùng công nghiệp, dịch vụ tại nút giao đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai: Là vùng công nghiệp, dịch vụ liên kết nút giao IC12, IC13 đường cao tốc và các đường trục chính của đô thị.
Vùng công nghiệp phía Đông Nam thành phố Yên Bái được phát triển trên cơ sở tiếp tục đầu tư xây dựng Khu công nghiệp phía Nam và khu công nghiệp Minh Quân, các khu, cụm công nghiệp thuộc địa bàn các xã Minh Quân, Bảo Hưng, huyện Trấn Yên và xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái.
Vùng đô thị dịch vụ du lịch hồ Thác Bà sẽ được phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, phát huy cảnh quan thiên nhiên của hồ Thác Bà; phát triển mở rộng đô thị tại thị trấn Yên Bình trở thành đô thị thương mại dịch vụ hậu cần cho Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Vùng du lịch sinh thái hồ Vân Hội phát triển du lịch và nông lâm nghiệp công nghệ cao ở hồ Vân Hội và khu vực xung quanh. Vùng nông lâm nghiệp, nông thôn gồm các vùng sản xuất nông lâm nghiệp và dân cư nông thôn nằm xung quanh vùng đô thị và công nghiệp.