Bài 3: Phát triển công nghiệp xanh tại Vĩnh Phúc

Hướng đi bền vững công nghệ cao cho tương lai

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành công trong việc mời gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược, các dự án lớn sở hữu công nghệ cao, hướng tới phát triển bền vững. Thành quả này là nhờ tỉnh đã ban hành và triển khai đồng bộ các chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hà Nội đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ Deepfake Nhóm đối tượng lừa đảo hơn 350 bị hại để chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội

Chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc

Với phương châm "Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh", sau gần 30 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành một "điểm sáng" trong thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp ở khu vực miền Bắc.

Với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc luôn ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, kiên trì với phương thức phát triển "xanh" và "bền vững".

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông chứng kiến lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh với một số doanh nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông chứng kiến lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh với một số doanh nghiệp

Dù là địa phương có thu ngân sách đạt trên 40 nghìn tỉ đồng, đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng, tuy nhiên Vĩnh Phúc đã kịp thời linh hoạt điều chỉnh từ mục tiêu thu hút đầu tư bằng mọi giá sang thu hút có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế tối đa gây hại cho môi trường.

Câu chuyện tỉnh Vĩnh Phúc 4 lần từ chối Dự án dệt - nhuộm 350 triệu USD của Tập đoàn TAL (Hồng Kông) được đề xuất đầu tư tại KCN Bá Thiện II (huyện Bình Xuyên) vào năm 2018 vì lo ngại dự án này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi vào hoạt động đã minh chứng cho quan điểm xuyên suốt quá trình thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Theo ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, lũy kế đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 1.326 dự án, trong đó: 481 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8,4 tỷ USD; 845 dự án DDI với tổng vốn đầu tư với khoảng 145,151 nghìn tỷ đồng đến từ 20 Quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có nhiều dự án lớn từ các tập đoàn đa quốc gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và một số dự án đến từ châu Âu và Hoa Kỳ.

Tập đoàn CNCTech và Công ty TNHH Uti Vĩnh Phúc ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất điện tử quy mô 105 triệu USD tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Tập đoàn CNCTech và Công ty TNHH Uti Vĩnh Phúc ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất điện tử quy mô 105 triệu USD tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhiều nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng như: ô tô, xe máy, linh kiện điện tử trong và ngoài nước đã tìm hiểu môi trường đầu tư vào các KCN của Tỉnh và có các đề xuất hợp tác về năng lượng, cam kết Netzero, đầu tư xanh với tỉnh Vĩnh Phúc như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam; chuỗi giá trị về sản xuất linh kiện, điện tử có Tổ hợp Samsung Việt Nam, Signetics Hàn Quốc và một số nhà đầu tư khác như: Công ty Cổ phần T&Y SuperPort, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Tập đoàn Sojitz, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Amanta, Tập đoàn Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ…

Tất cả những nỗ lực trên đã đưa Vĩnh Phúc dần trở thành hình mẫu tiêu biểu về phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Với sự kết hợp giữa chiến lược dài hạn và hành động quyết liệt, tỉnh đang từng bước xây dựng nền kinh tế xanh, hiện đại, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Vĩnh Phúc đã sẵn sàng

Xanh hóa ngành công nghiệp không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Các doanh nghiệp áp dụng mô hình xanh sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế có cam kết về phát triển bền vững, đồng thời tăng cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU và Hoa Kỳ.

Ngoài ra, sự dịch chuyển của làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thứ tư vào lĩnh vực xanh, bền vững và công nghệ cao, công nghệ mới… đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thu hút vốn FDI. Trước làn sóng này, Vĩnh Phúc sẽ tập trung xây dựng KCN phù hợp với địa phương và gắn liền với bối cảnh mới…

 Công ty TNHH JAHWA tại Hàn Quốc
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thăm và làm việc Công ty TNHH JAHWA tại Hàn Quốc

Vĩnh Phúc xây dựng sáng kiến bằng đề án cụ thể là Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 17/4/2023. Trong đó có xác định mục tiêu là thu hút thành công các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030.

Tỉnh Vĩnh Phúc tập trung đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để đưa ra các giải pháp phát triển xanh bền vững như: hỗ trợ dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc định hướng dự án trở thành cảng cạn đạt mức phát thải ròng bằng 0 đầu tiên của châu Á vào năm 2040...

Tại Hội nghị “Phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc” vào tháng 12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của KCN đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời nhấn mạnh quan điểm phát triển KCN của tỉnh là: Xu hướng tất yếu phải chuyển đổi phát triển KCN theo hướng bền vững; phát triển bền vững các KCN trên địa bàn Tỉnh sẽ góp phần thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (NetZero) vào năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Doanh nghiệp công nghệ cao tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Doanh nghiệp công nghệ cao tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Theo ông Đông, tỉnh Vĩnh Phúc nhận thức rằng, doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển; thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh; nhà đầu tư vào tỉnh là công dân của tỉnh nên các cấp ủy đảng, chính quyền sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh. Tỉnh cam kết sẵn sàng về mặt bằng sạch, sẵn sàng về điện, nước, viễn thông, sẵn sàng về nguồn nhân lực và sẵn sàng cung cấp thủ tục hành chính nhanh gọn và thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Theo Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút thêm từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực FDI; thu hút từ 1 - 5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới; nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia, vùng lãnh thổ một số khu vực trong tổng số vốn FDI của tỉnh lên hơn 80%.

Để đạt được các mục tiêu này và đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung hoàn thiện các quy hoạch theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là quy hoạch xây dựng và quy hoạch hạ tầng KCN nhằm giúp tối ưu hóa sử dụng đất đai, tài nguyên, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư - yếu tố then chốt để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Không chỉ định hướng xanh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tìm hiểu, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ngành, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc tích cực phối hợp chặt chẽ hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng thị trường, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục, đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đã được cấp phép hoạt động hiệu quả.

Lê Sơn

Bình luận

Phiên bản di động