Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ Deepfake

Thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) đã ghi nhận nhiều trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake để giả mạo video, hình ảnh, và giọng nói của người thân nạn nhân, khiến nhiều người dân mất cảnh giác và trở thành nạn nhân của chiêu trò tinh vi này.
Nhóm đối tượng lừa đảo hơn 350 bị hại để chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Bắt giữ 18 đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên biên giới Đổi mới, sáng tạo trở thành lực đẩy cho Thủ đô vươn mình

Deepfake là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra video, hình ảnh, hoặc giọng nói giả mạo giống hệt người thật. Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng công nghệ này để tạo các cuộc gọi video giả mạo, khiến nạn nhân tin rằng mình đang trò chuyện với người thân, bạn bè. Sau đó, chúng viện cớ khẩn cấp, yêu cầu chuyển tiền ngay lập tức.

Để che giấu các điểm sai sót như hình ảnh mờ, âm thanh không khớp, hoặc biểu cảm khuôn mặt không tự nhiên, các đối tượng thường kết thúc cuộc gọi nhanh chóng với lý do như "sóng yếu", khiến nạn nhân không có thời gian phát hiện bất thường.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trường hợp của chị N.T.H (28 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội): Chị nhận được tin nhắn từ tài khoản Zalo của một người quen đang ở nước ngoài, nhờ chuyển gấp 85 triệu đồng. Tin rằng đây là người quen, chị đã chuyển tiền ngay mà không xác minh. Sau đó, chị mới phát hiện mình bị lừa khi liên hệ trực tiếp với người quen.

Trường hợp của anh B.T.C (42 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội): Anh nhận cuộc gọi video từ tài khoản Messenger của người thân. Trong vài giây ngắn ngủi, anh thấy khuôn mặt và nghe giọng nói quen thuộc. Nhưng cuộc gọi nhanh chóng bị gián đoạn với lý do "sóng yếu". Tin rằng người thân gặp chuyện khẩn cấp, anh đã chuyển ngay 50 triệu đồng. Sau đó, anh mới phát hiện mình là nạn nhân của trò lừa đảo.

Để phòng tránh các chiêu trò lừa đảo tinh vi, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội khuyến cáo người dân: Bình tĩnh xác minh thông tin: Khi nhận được yêu cầu vay, mượn tiền qua tin nhắn hoặc cuộc gọi, đặc biệt là nội dung khẩn cấp, hãy xác minh ngay bằng cách gọi trực tiếp qua số điện thoại thông thường hoặc gặp mặt để kiểm chứng; Cảnh giác với các đường link lạ: Không nhấp vào các đường link lạ, dù người gửi có vẻ là người quen; Kiểm tra kỹ thông tin chuyển tiền: Khi thực hiện giao dịch, hãy kiểm tra kỹ thông tin tài khoản ngân hàng để đảm bảo khớp với người nhận; Chú ý các dấu hiệu bất thường: Trong các cuộc gọi video, nếu nhận thấy khuôn mặt thiếu cảm xúc, âm thanh và khẩu hình không khớp, hoặc cử động không tự nhiên, cần cảnh giác cao độ.

Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo hoặc đã trở thành nạn nhân, người dân cần nhanh chóng trình báo tới cơ quan công an để được hỗ trợ, ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật.

Việc nâng cao nhận thức và cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng là biện pháp hiệu quả để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân trong thời đại công nghệ hiện nay.

Hoa Thành
Phiên bản di động