Hơn 800 vụ vận chuyển hàng cấm, nhập lậu qua sân bay Nội Bài

Trong 8 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 827 vụ vi phạm về vận chuyển hàng cấm, nhập lậu, gian lận thương mại qua sân bay Nội Bài.
Hà Nội: Hàng nghìn thùng bánh nhập lậu tại điểm kinh doanh của Công ty NET GROUP Công ty TNHH Tiếp vận Quốc tế Sanxin Việt Nam cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu

Ngày 26/9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc với một số cơ quan, đơn vị của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, trong 8 tháng năm 2023, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua sân bay Nội Bài vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Sân bay quốc tế Nội Bài là một trong những địa bàn trọng điểm, hàng hoá vi phạm thường có giá trị kinh tế cao như vàng, ngoại tệ, sản phẩm động vật hoang dã, mỹ phẩm, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, sữa, rượu, thuốc lá, xì gà, quần áo, túi xách, đồng hồ, điện thoại...

Đáng chú ý, phương thức, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi với các hình thức khác nhau. Đặc biệt, các đối tượng thường che giấu thông tin người gửi hàng và người nhận hàng.

Cụ thể, đối với hàng xuất khẩu, thông tin khai báo về tên người gửi thì thường không rõ ràng hoặc đứng tên các công ty vận chuyển tại Việt Nam (như Interlink VN, Max Express...). Đối với hàng nhập khẩu thì tên người nhận thường có địa chỉ nhận không rõ ràng hoặc tại các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội...

Ngoài ra các đối tượng cũng thành lập nhiều doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, thuê người đứng tên làm giám đốc, sau đó móc nối với một số đối tượng tại khu vực cửa khẩu sân bay Nội Bài và một số đối tượng ở nước ngoài thông qua cộng đồng người Việt tại Úc, Đức, Pháp, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản để đặt mua gom các mặt hàng thực phẩm chức năng, đồ gia dụng các loại, mỹ phẩm, quần áo... chuyển về Việt Nam.

Hơn 800 vụ vận chuyển hàng cấm, nhập lậu qua sân bay Nội Bài
Hệ thống máy soi Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát nhanh móc nối với một số đầu nậu tại các tỉnh biên giới để chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam qua hình thức khai báo là hàng hóa trị giá thấp (dưới 1.000.000 đồng được miễn thuế).

Các đối tượng sẽ chia nhỏ hàng hóa thành từng kiện tương ứng tên người nhận rồi vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu tại các tỉnh phía Bắc rồi đăng ký mở tờ khai tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh - Cục Hải quan TP Hà Nội.

Các đối tượng mở công ty xuất nhập khẩu sau đó mua gom, móc nối với các cá nhân, tổ chức tại nước ngoài rồi làm các thủ tục tự công bố chất lượng sản phẩm với mặt hàng sữa bột rồi khai báo đơn giá hàng hóa trên tờ khai thấp hơn rất nhiều so với thực tế nhằm trốn phải nộp thuế nhập khẩu cho lô hàng.

Trong 8 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 827 vụ vi phạm về vận chuyển hàng cấm, nhập lậu, gian lận thương mại qua sân bay Nội Bài.

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ghi nhận những kết quả của các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Đặng Văn Dũng nhấn mạnh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả cả nước nói chung và tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua cảng hàng không quốc tế nói riêng vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là thời gian gần đây, lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, các đối tượng móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả với thủ đoạn tinh vi, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.

Nguyên nhân là do một số cơ quan, lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin chưa kịp thời, chưa hiệu quả; các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ còn bất cập, sơ hở; trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đồng đều; việc điều tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế có một số trường hợp còn chậm, giảm sức răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Trong thời gian tới, ông Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua Cảng hàng không quốc tế.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng; nắm tình hình, kịp thời phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; kịp thời phát hiện các ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, xử lý triệt để, không để hình thành các tổ chức, đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn.

Hậu Lộc
Phiên bản di động