Hiểu thế nào về danh xưng 'nhà báo quốc tế'?
Nhà báo điều tra bảo kê chợ Long Biên là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 Hội Nhà báo lên tiếng về việc phóng viên bị hành hung |
Thực chất của các danh xưng nhà báo quốc tế là như thế nào?
Thông tin chính thức từ Hội Nhà báo Việt Nam chiều hôm qua cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam đã có quyết định số 36/QĐ-HNBVN về việc xóa tên hội viên Lê Hoàng Anh Tuấn thuộc Chi hội Nhà báo Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Như vậy, một vấn đề đã được làm rõ: Ông Tuấn từng được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam (nhưng chưa được chính thức cấp Thẻ Hội viên). Ông Tuấn hiện tại bị coi là không đủ tiêu chuẩn để làm hội viên Hội Nhà báo Việt Nam vì chỉ là giáo viên thỉnh giảng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, không thuộc biên chế cũng như không ký hợp đồng lao động với Học viện.
Ông Lê Hoàng Anh Tuấn cũng không có Thẻ Nhà báo Việt Nam và vì vậy không có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước ta.
Nhân trường hợp của ông Lê Hoàng Anh Tuấn, chúng ta cần phân biệt rõ Thẻ Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và Thẻ Nhà báo ở Việt Nam.
Thẻ Hội viên (Member Card) Hội Nhà báo Việt Nam là giấy chứng nhận tư cách hội viên của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp (như các hội: Nông dân, Làm vườn, Nhà văn...) do Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cấp.
Trong khi đó, theo Luật Báo chí 2016, người được cấp Thẻ Nhà báo về cơ bản phải là người tham gia vào bộ máy sản xuất tin, bài nhưng cũng phải đáp ứng một số điều kiện khác, trong đó có công tác liên tục hai năm ở một cơ quan báo chí của Việt Nam. Thẻ Nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp và là loại thẻ duy nhất được pháp luật Việt Nam công nhận trong hoạt động báo chí.
Vậy còn danh xưng “Nhà báo quốc tế” là gì?
Ông Lê Hoàng Anh Tuấn tự xưng là “Nhà báo quốc tế” dựa vào Thẻ báo chí quốc tế (International Press Card) do một tổ chức mang tên Hiệp hội Báo chí GNS (The GNS Press Association) có trụ sở ở CHLB Đức cấp.
Một buổi nói chuyện của ông Lê Hoàng Anh Tuấn gần đây |
Theo lời tự giới thiệu trên trang web của GNS (bằng tiếng Đức và tiếng Anh) thì GNS là một tổ chức nghề nghiệp độc lập và tự chủ về tài chính, có xu hướng làm đối trọng của các hiệp hội báo chí “chính thống”. Tuy GNS kêu gọi sự tham gia của tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí (chủ yếu tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu – EU), song Hiệp hội này đặc biệt mở rộng cánh cửa đối với những người làm báo không chuyên. Theo cách hiểu của GNS thì những người hoạt động báo chí bao gồm cả các blogger, nhân viên quan hệ công chúng trong các câu lạc bộ, tình nguyện viên, phóng viên du lịch, nhà biên kịch, người viết quảng cáo…
Cũng trên trang web của mình, GNS còn đưa ra một “tuyên ngôn” phủ nhận “thẻ nhà báo chính thống”, coi đó là “huyền thoại” do một số nhà báo của những cơ quan báo chí lớn dựng nên nhằm giữ vị thế độc tôn, đặc quyền và điều này “xâm phạm quyền tự do báo chí”. GNS tự quảng bá là tổ chức đáng tin cậy của các nhà báo tự do.
Điều kiện tham gia GNS và được cấp Thẻ báo chí quốc tế khá đơn giản, những công dân không thuộc các nước thành viên EU cũng có thể tham gia; thời gian xét cấp thẻ chỉ là một đến hai ngày. Hội phí (lần đầu) là 127 euro (khoảng 3,5 triệu đồng Việt Nam), “phí duy trì thẻ” là 36 euro (gần một triệu đồng Việt Nam) mỗi năm sau đó.
Thẻ báo chí quốc tế của Hiệp hội GNS phải chăng là sự “lộng danh”?
Như vậy, Thẻ báo chí quốc tế thực chất chỉ là thẻ hội viên của Hiệp hội GNS, một tổ chức độc lập mà theo lời quảng cáo của họ là có khoảng 8.000 hội viên (con số này chưa được kiểm chứng).
Phóng viên TTXVN thường trú tại Praha (CH Séc) cho biết, theo quy định luật pháp của Séc, Thẻ báo chí quốc tế không được coi là thẻ hành nghề báo chí tại nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi về "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn. Theo đó, trong số các văn phòng thường trú của báo chí nước ngoài tại Việt Nam không có tên tạp chí và phóng viên như phóng viên vừa nêu câu hỏi. |
Nếu như ở Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan duy nhất cấp Thẻ Nhà báo thì tại CH Séc không có Bộ Thông tin và cũng không tồn tại thẻ nhà báo mang tính quốc gia. Mỗi cơ quan báo chí, ví dụ Hãng thông tấn Séc (CTK) hay Đài Phát thanh Séc, có thẻ nhà báo riêng của cơ quan mình. Giám đốc hay Tổng Biên tập của cơ quan báo chí đó ký quyết định cấp thẻ cho nhân viên và chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như xã hội về chữ ký của mình. Thẻ nhà báo của cơ quan báo chí cụ thể mới có tác dụng trong hoạt động báo chí của các nhà báo. Thẻ báo chí quốc tế do GNS cấp không thể thay thế thẻ hành nghề của các nhà báo tại Séc.
Đối với các nhà báo nước ngoài hoạt động báo chí tại CH Séc thì họ được Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Séc cấp Thẻ phóng viên nước ngoài. Điều kiện được cấp thẻ là giấy giới thiệu của cơ quan báo chí chủ quản và thẻ nhà báo chuyên nghiệp của nước phái cử (đối với các phóng viên TTXVN thường trú tại Praha thì đó là Thẻ Nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp). Thẻ báo chí quốc tế do GNS cấp không có chức năng này.
Thẻ phóng viên nước ngoài do Vụ Báo chí Bộ Ngoại CH Séc cấp là thẻ hành nghề báo chí được pháp luật thừa nhận và cũng là điều kiện để các nhà báo nước ngoài (không thuộc các nước thành viên EU) được cấp hoặc gia hạn thị thực. Thẻ báo chí quốc tế do GNS cấp cũng hoàn toàn không có chức năng này.
Vậy là việc ông Lê Hoàng Anh Tuấn sở hữu Thẻ báo chí quốc tế chỉ đơn thuần chứng minh rằng ông là hội viên của tổ chức GNS. Thẻ hội viên này không có giá trị chứng nhận quyền hoạt động báo chí cho ông Tuấn tại Việt Nam cũng như tại CH Séc – nơi ông này đã từng sinh sống một thời gian.“Thẻ báo chí quốc tế” về bản chất là thẻ hội viên của GNS. Việc ông Tuấn sở hữu thẻ hội viên GNS không đồng nghĩa với danh xưng “nhà báo quốc tế” một cách nghiêm túc. Thậm chí, nếu vì mục đích vụ lợi thì danh xưng này có tính “lộng danh”.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Praha, ông Lê Hoàng Anh Tuấn (khi đó lấy tên là Lê Văn Tuấn) sang CH Séc vào tháng 12/2004 và tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Ostrava vào năm 2008 (hệ ba năm, thuộc diện du học tự túc). Ông này có mối quan hệ thân thiết với một công dân Séc – người sáng lập Hiệp hội Đối ngoại châu Âu.
Hiệp hội Đối ngoại châu Âu có trụ sở tại Thủ đô Praha, CH Séc, và là cơ quan chủ quản của tạp chí Chống tham nhũng và hợp tác quốc tế mà ông Tuấn là Tổng biên tập. Các “giải thưởng danh giá” mà ông Tuấn công bố là chủ sở hữu đều do tổ chức này trao tặng.
Hội Luật gia Việt Nam vừa quyết định tạm đình chỉ chức vụ viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu đối với "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn và thành lập đoàn kiểm tra trách nhiệm của ông này (Theo Báo Tuổi trẻ) |